Hiến kế phát triển sân khấu
Giải trí - Ngày đăng : 06:13, 22/05/2022
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng. Xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, trình độ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cao. Tập trung vào một số sản phẩm nghệ thuật dân tộc và hàn lâm. Nên khảo sát thêm về lực lượng, đội ngũ trình diễn để có sự điều chỉnh, đầu tư thêm, khai thác nguồn lực một cách hiệu quả. Cần có sự chung tay thỏa mãn nhu cầu về ngân sách (chẳng hạn như xây dựng nhà hát đủ chuẩn); nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ (đến từ các thương hiệu, nhà tài trợ, quảng cáo, tổ chức phi chính phủ...). Cần phân tích những hạn chế chủ quan trong quản lý của các cơ quan chức năng và hoạt động của các hội nghề nghiệp, đây là yếu tố tác động đến sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành công nghiệp văn hóa với nhau, nếu đầu tư riêng lẻ thì sẽ hạn chế sự phát triển.
Hai là, xây dựng lại cơ chế chính sách tuyển dụng. Bổ sung Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ về các vấn đề liên quan đến trình độ của diễn viên múa, chỉ cần ở mức trung cấp, cao đẳng có mức lương cơ bản thỏa đáng, có cơ chế đặc biệt về tuổi nghề cho diễn viên, đặc biệt là diễn viên múa ballet, diễn viên xiếc..., giảm tuổi về hưu cho loại hình biểu diễn đặc thù. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Ba là, xây dựng đề án đào tạo đặt hàng đối với các trường, học viện nghệ thuật quốc gia để bổ sung nguồn nhân lực còn hạn chế (đề án này đã được áp dụng thử nghiệm thành công với các nhà hát tuồng, chèo, cải lương, ca múa nhạc). Xây dựng cơ chế tuyển chọn người có đủ điều kiện để gửi đi học ở những nước đã thành công trong công nghiệp văn hóa như Mỹ, Hàn Quốc, Italia...
Bốn là, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các đơn vị nghệ thuật sáng tạo các mô hình kinh doanh nghệ thuật mới gắn với nhu cầu thị trường, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích các tài năng và nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nghệ thuật. Từng bước giúp ngành nghệ thuật biểu diễn giảm sự phụ thuộc vào cơ chế bao cấp, thực sự tự chủ để phát triển bền vững.
Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Thanh Trầm:
Đầu tư cho sáng tác, nâng cao trình độ cho diễn viên trẻ
Để có những tác phẩm sân khấu tầm cỡ, tạo sức hấp dẫn, sức lan tỏa đối với công chúng, theo tôi, đội ngũ văn nghệ sĩ trên lĩnh vực sân khấu và các cơ quan chức năng nên xem xét, quan tâm tới một số giải pháp như sau:
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội cần tăng cường, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, sở, ngành, địa phương, tổ chức cho tác giả đi thực tế cơ sở để bám sát đời sống thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để sáng tác nhiều kịch bản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân Thủ đô.
Các hội chuyên ngành, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần rà soát lại quy chế tổ chức các cuộc liên hoan nghệ thuật và đánh giá chất lượng nghệ thuật, tránh "loạn chuẩn", tránh "bệnh" thành tích.
Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ tác giả, thành phần sáng tạo bằng cơ chế đặc thù nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tự do sáng tác như thế nào thì các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa phải xây dựng chính sách cụ thể hơn, gạt bỏ những thứ mơ hồ (nêu rõ cái gì được và cái gì không) để văn nghệ sĩ yên tâm sáng tác, mạnh dạn nói những mặt trái của đời sống, góp phần tác động đến sự phát triển xã hội.
Cần tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu theo các chủ đề. Với những kịch bản chất lượng, được giải thưởng cao, các cơ quan chức năng nên tổ chức đấu thầu dàn dựng; đầu tư hệ thống rạp hát phục vụ quảng đại quần chúng; đào tạo khán giả bằng các biện pháp như giới thiệu sân khấu vào trường học, tổ chức các câu lạc bộ yêu sân khấu... Ngoài đầu tư cho sáng tác, cần tổ chức các lớp tập huấn cho diễn viên trẻ để nâng cao trình độ biểu diễn.
Đẩy mạnh đầu tư cho đội ngũ lý luận phê bình; có cơ chế, chính sách phù hợp để tránh tình trạng khen chê thiếu tính chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ sân khấu cần được gửi đi học tập tại các nước phát triển.
Cần xây dựng kênh thông tin để giới thiệu nghệ thuật sân khấu cho mọi đối tượng xã hội trong thời đại 4.0.
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội:
Có cái nhìn đúng về công nghiệp văn hóa sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng
Khác với trước kia, công chúng hiện nay có thêm nhiều phương thức, phương tiện để tiếp cận với văn hóa - nghệ thuật, đồng thời với đó là những tiêu chuẩn được nâng cao hơn, khắt khe hơn và rõ tính đặc thù hơn. Việc có cái nhìn đúng về công nghiệp văn hóa Thủ đô sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng và có biện pháp phù hợp để phát triển nghệ thuật sân khấu.
Trước kia, chúng ta đơn thuần làm sáng tạo nghệ thuật, ngày nay, chúng ta cần thêm sự nhạy bén về thị hiếu, thị trường, hiểu được tâm lý và nguyện vọng của khán giả để từ đó xây dựng chương trình nghệ thuật chất lượng cao nhưng phù hợp và thỏa mãn nhu cầu của khán giả.
Để thu hút khán giả đến với sân khấu, chúng ta cần hiện đại hóa cơ sở vật chất cho sân khấu. Cần xây dựng một sân khấu hiện đại đủ sức đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, qua đó phục vụ hiệu quả cho những ý tưởng nghệ thuật của ê kíp sáng tạo.
Sử dụng triệt để thành tựu công nghệ thông tin trong quá trình tiếp cận khán giả là một bước đi bắt buộc, không chỉ giúp đưa các tác phẩm nghệ thuật đến gần khán giả một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, mà còn tạo dựng một hệ thống quản lý tổng thể, cung cấp số liệu chính xác giúp đưa ra các phương án marketing hợp lý, các đề án nhân sự phù hợp. Các đơn vị cần xây dựng một bộ phận chuyên trách, bộ phận này thường xuyên được học tập, đào tạo để cập nhật kỹ thuật mới, am hiểu về marketing, phân tích số liệu thị trường, am hiểu về nghệ thuật và thẩm mỹ, nhạy bén nắm bắt thị hiếu khán giả đương thời.
Một sản phẩm chất lượng tốt cần một “bao bì” đẹp, một “kênh” phân phối chính xác. Nội dung của tác phẩm nghệ thuật, chất lượng của chương trình nghệ thuật đương nhiên luôn là điều cốt lõi và sẽ luôn là yếu tố quan trọng nhất để thu hút khán giả đến với sân khấu. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta không thể phủ nhận, một “bao bì” đẹp luôn thu hút người xem từ cái nhìn đầu tiên. Việc thay đổi gu thiết kế, tính thẩm mỹ cho sản phẩm truyền thông về tác phẩm nghệ thuật là điều cần thiết. Muốn tiếp cận đối tượng khán giả thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, độ tuổi khác nhau thì chúng ta cần có sự nhạy bén về thẩm mỹ và cách tiếp cận họ.
Khi đã có một sản phẩm đẹp, chất lượng, chúng ta vẫn cần tìm ra đối tượng khách hàng. Việc vẽ ra chân dung đối tượng khán giả mà chúng ta muốn nhắm đến là điều rất quan trọng, cần suy nghĩ đến khi sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật. Khi đã có một cái đích rõ ràng, chúng ta sẽ tiếp cận đối tượng khán giả đúng nhất, phù hợp nhất.