Hà Nội thúc đẩy các giải pháp ổn định chăn nuôi

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:39, 22/05/2022

(HNM) - Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến việc tái đàn của người dân nhưng đối với các trang trại, việc sản xuất quy mô lớn vẫn duy trì và tiêu thụ ổn định.

Mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thoan ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn).

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thoan, hộ chăn nuôi ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn), nhờ chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, chủ động từ con giống tới thức ăn chăn nuôi, hiện trung bình mỗi tháng trang trại xuất chuồng khoảng 1.000 con gà, giá bán cao hơn 10-15% so với gà thương phẩm nuôi theo phương thức truyền thống.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), do chủ động từ con giống tới thức ăn chăn nuôi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên trang trại vẫn duy trì 2 khu chăn nuôi lợn với quy mô 100 lợn nái, 600 lợn thịt/lứa và 2 khu nuôi gà đẻ siêu trứng với tổng đàn khoảng 47.000 con. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và khép kín nên hạn chế dịch bệnh, doanh thu mỗi năm của trang trại đạt khoảng 20 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình chăn nuôi các tháng đầu năm 2022, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân nhưng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn phát triển ổn định: Tổng đàn trâu, bò là 169.583 con; đàn lợn gần 1,4 triệu con; đàn gia cầm gần 37 triệu con (tương đương cuối năm 2021).

“Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Giá thức ăn chăn nuôi tăng 20-40% so với cùng kỳ năm trước; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát... Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội cho các trang trại chăn nuôi lớn áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, từng bước hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn và ổn định chăn nuôi trong mọi tình huống, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), các hợp tác xã cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi, chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm thông tin, huyện tiếp tục hỗ trợ về giống, kỹ thuật, hướng dẫn người dân chủ động chăn nuôi có giá trị kinh tế cao và sản xuất căn cứ nhu cầu thị trường. Để ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm, huyện khuyến khích các trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn để nâng cao giá trị trên thị trường.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Hà Nội chú trọng chế biến sâu sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh - vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi; quản lý việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và thế giới, giúp người chăn nuôi có biện pháp chủ động nguồn thức ăn thay thế, ổn định sản xuất.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi thông qua tập huấn, hội thảo, xây dựng, triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tái sử dụng chất thải chăn nuôi..., góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Ngọc Quỳnh