Xây dựng chỉ dẫn địa lý nông sản: Vẫn là câu chuyện dài

Nông nghiệp - Ngày đăng : 10:49, 22/05/2022

(HNMO) - Ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các địa phương tập trung xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản đặc trưng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để duy trì, phát huy giá trị của các sản phẩm được xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý vẫn là câu chuyện dài.

Nhờ xây dựng được thương hiệu nên vải Bắc Giang bán được giá cao.

Chưa có nhiều sản phẩm được bảo hộ

Việt Nam có hàng nghìn sản phẩm nông sản đặc sản, nhưng chưa đến 10% sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) Trần Lê Hồng, Việt Nam có hơn 2.000 nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu tự chứng nhận cho các sản phẩm nông sản đặc thù nhưng chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Số sản phẩm đã được bảo hộ như: Cà phê Buôn Ma Thuột (bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nga, Thái Lan), quế Văn Yên (bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan), vải thiều Lục Ngạn (bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, nhãn hiệu tập thể tại Australia, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia... là quá ít so với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam. 

Thực tế cho thấy, các sản phẩm sau khi được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã có giá bán tăng 20-100%, như: Chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh); chè Mộc Châu (Sơn La), Tân Cương (Thái Nguyên).

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình, thông qua việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, vải thiều Lục Ngạn có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường các nước. Tuy nhiên, được bảo hộ tại các thị trường nhập khẩu đã khó, để duy trì và phát huy hiệu quả từ chỉ dẫn địa lý còn khó khăn hơn, do sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, các hộ dân chưa chú trọng tới bảo hộ thương hiệu. 

Thời gian vừa qua, Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản chủ lực. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thành phố đã có 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, gạo thơm Bối Khê... Các sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ tiêu thụ ổn định tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị với giá bán tăng thêm 15-20%. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập, như: Quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; chế biến, bảo quản sau thu hoạch vẫn theo phương thức thủ công nên chất lượng không đồng đều… Mặt khác, công nghệ, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế nên một số sản phẩm có thương hiệu nhưng 70% được bán cho thương lái với giá bấp bênh.

Hà Nội đã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Ba Vì.

Chú trọng xây dựng thương hiệu đặc trưng

Có thể nói, việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản là vấn đề cấp thiết và cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết, để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”, hợp tác xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các hộ nông dân về sản xuất an toàn. Cùng với đó, hợp tác xã trang bị thêm máy sấy lúa tươi, máy phun thuốc bảo vệ thực vật… nhằm đa dạng dịch vụ và nâng cao giá trị để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý thương hiệu nông sản trên địa bàn nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm; đồng thời giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng hiện đại. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố sẽ hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm có thương hiệu được công nhận OCOP.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Lê Hồng, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương… để cải thiện công tác xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, như: Cà phê, gạo, vải thiều, thanh long... Vấn đề lúc này là các địa phương cần xác định lộ trình cũng như các giải pháp ưu tiên như xây dựng quy chế quản lý, khai thác tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài trọng điểm; đồng thời tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngọc Quỳnh