Những điểm nhấn ấn tượng của SEA Games 31
Thể thao - Ngày đăng : 15:31, 24/05/2022
Đúng như khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức SEA Games 31: “SEA Games 31 đã thành công trên nhiều phương diện: Từ công tác chuẩn bị, công tác đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, cho đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn y tế, công tác truyền thông, đặc biệt là công tác chuyên môn”.
Thành công từ nỗ lực vượt mọi khó khăn trong hành trình chuẩn bị
Nhìn lại kỳ SEA Games được đánh giá là có nhiều khó khăn, thử thách và những thuận lợi đan xen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận và biểu dương Ban tổ chức SEA Games 31, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan, thành phố Hà Nội và 11 địa phương đăng cai các môn thi đấu, các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà tài trợ, các tình nguyện viên và nhân dân đã nỗ lực đóng góp cho sự kiện, cổ vũ hết mình cho các vận động viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển”, một “Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, một “Đông Nam Á đoàn kết, thống nhất trong đa dạng”, một “Đông Nam Á cùng nhau tỏa sáng” đã được khắc họa xuyên suốt 17 ngày diễn ra đại hội”.
Khó có thể kể hết những khó khăn Ban tổ chức SEA Games 31 nước chủ nhà đã phải đương đầu và vượt qua suốt thời gian qua. Hơn 2 tháng trước ngày đại hội khai cuộc, hệ thống xây dựng, hệ thống thông tin phục vụ tổ chức đại hội và điều hành thi đấu; việc mua sắm các trang, thiết bị phục vụ thi đấu; triển khai các dự án liên quan tới truyền hình... vẫn còn ngổn ngang. Do đó, việc sản xuất, vận chuyển, lắp đặt, chuyển giao, vận hành thử đều có những khó khăn nhất định. Trang thiết bị của một số môn như cầu mây, đấu kiếm rất khó mua sắm trong nước, trong khi thời gian không đủ để thực hiện quy trình đấu thầu quốc tế.
Thêm nữa là việc kinh phí phân bổ chậm, tổng mức chi cho tổ chức SEA Games theo thông báo của Bộ Tài chính so với dự toán đề xuất của các đơn vị có sự chênh lệch lớn… Tiến độ triển khai cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của một số địa phương còn chậm, do một số công trình phục vụ SEA Games 31 trong thời gian triển khai phải dừng vì dịch bệnh. Việc tổ chức SEA Games 31 trong điều kiện dịch bệnh khiến phát sinh nhiều công việc so với kế hoạch ban đầu đề ra, nhất là công tác phòng, chống dịch…
Nhưng tất cả khó khăn đều đã được khắc phục trước giờ khai cuộc. Vượt lên mọi thách thức, SEA Games 31 đã được tổ chức đặc biệt thành công. Các trang thiết bị đã được lắp đặt kịp thời, bảo đảm công tác vận hành thi đấu. Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn chia sẻ: “Trưởng đoàn thể thao các nước đều đánh giá cao công tác của nước chủ nhà, đặc biệt là công tác trọng tài và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ chuyên môn. Nhiều đoàn bày tỏ sự ngạc nhiên thán phục khi Việt Nam tổ chức SEA Games quá thành công về mọi mặt, đặc biệt, công tác tổ chức của các địa phương rất tốt. Có môn, công tác tổ chức đã ngang tầm châu lục và thế giới”.
Có được thành công đó, không thể không kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực, sự nỗ lực của Ban tổ chức đại hội, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là 12 địa phương tổ chức các môn thi đấu!
Những kỷ lục đầy ấn tượng!
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, người từng nhiều năm là Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu Đại hội Thể thao quốc tế nhận định: “Tại SEA Games 31, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng vận động viên đăng ký thi đấu ở từng nội dung của một số môn thi đấu không nhiều, làm giảm phần nào sự quyết liệt, hấp dẫn trong cạnh tranh Huy chương vàng. Do đó, việc phá kỷ lục và thiết lập kỷ lục chính là thước đo rõ nhất về sự phát triển theo hướng nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn của các vận động viên thể thao thành tích cao”.
Với 30 kỷ lục SEA Games được xác lập, SEA Games 31 đã cho thấy bước tiến rõ nét của các vận động viên xuất sắc. Trong đó, thật tự hào là chủ nhà Việt Nam góp tới 17/30 nội dung được xác lập kỷ lục SEA Games.
Môn bơi, vận động viên Nguyễn Huy Hoàng xuất sắc đạt 5 Huy chương vàng, phá 2 kỷ lục SEA Games nội dung bơi 400m tự do và bơi tiếp sức 4x200m tự do nam. Phạm Thanh Bảo thiết lập kỷ lục nội dung bơi 100m ngửa, Trần Hưng Nguyên thiết lập kỷ lục bơi 400m hỗn hợp cá nhân nam…
Môn điền kinh, vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh giành 3 Huy chương vàng, phá kỷ lục SEA Games ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật; Lò Thị Hoàng lập kỷ lục 56m37 nội dung ném lao nữ (kỷ lục cũ là 55m97). Hai môn thể thao Olympic cơ bản lâu đời là điền kinh và bơi lội đã góp tới 33 Huy chương vàng cho Đoàn thể thao Việt Nam. Trong đó, điền kinh đặt mục tiêu giành 17, kết quả đạt 22 Huy chương vàng. Bơi lội đặt mục tiêu giành từ 6-8 Huy chương vàng, nhưng dù vắng “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên, đội tuyển bơi Việt Nam vẫn giành tới 11 Huy chương vàng. Đó thực sự là những tín hiệu rất vui đối với thể thao Việt Nam.
Đáng chú ý, trong số 205 Huy chương vàng, 125 Huy chương bạc, 116 Huy chương đồng của Đoàn thể thao Việt Nam, số lượng Huy chương vàng do vận động viên các môn Olympic giành được chiếm đến hơn 30%. Trong đó, bắn súng góp 7 Huy chương vàng; thể dục dụng cụ 4 Huy chương vàng; cử tạ 3 Huy chương vàng, xác lập 6 kỷ lục đại hội...
Bên cạnh đó, việc bóng đá Việt Nam, với rất nhiều gương mặt trẻ, vô địch cả bóng đá nam và bóng đá nữ, phần nào cho thấy sự bảo đảm về lực lượng kế cận cho bóng đá nước nhà, cho hành trình dài sắp tới, nhắm đích vươn đến các đấu trường thể thao quốc tế lớn hơn.
Thu hoạch lớn từ SEA Games 31
Ngoài các nguồn thu từ tài trợ, từ việc khai thác bản quyền hình ảnh, từ việc thu tiền ở của vận động viên các đoàn thể thao tham gia đại hội, thu hoạch lớn nhất từ SEA Games 31 chính là việc hàng loạt cơ sở vật chất, công trình thể thao được đầu tư nâng cấp, sửa chữa chống xuống cấp dịp đăng cai đại hội, bao gồm những công trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý như: Sân vận động và Cung thể thao dưới nước thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia; hoặc trường bắn thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội; Nhà thi đấu tổng hợp và Nhà tập tổng hợp Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh...
Từ việc đăng cai SEA Games, Nhà thi đấu Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định… đều lập dự án cải tạo, sửa chữa phục vụ tổ chức các môn trong chương trình thi đấu của đại hội.
Tại Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã triển khai 15 dự án nâng cấp, cải tạo các công trình thể thao phục vụ tổ chức đại hội, trong đó có 3 dự án do Sở Văn hóa - Thể thao quản lý, 12 dự án do UBND cấp quận, huyện quản lý. Thủ đô Hà Nội là địa điểm đăng cai chính, nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 18 trong tổng số 40 môn trong chương trình thi đấu của SEA Games 31 tại 16 địa điểm.
Thành phố và các quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình sẵn có của địa phương (không có công trình nào xây dựng mới). Các công trình thể thao được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa dịp này chính là địa điểm tập luyện rất tốt cho các đội tuyển thể thao cấp thành phố của Hà Nội. Đây cũng sẽ là tiền đề để tổ chức các hoạt động thể dục thể thao rộng khắp, tạo nguồn tìm kiếm hạt nhân năng khiếu kế cận cho các đàn anh, đàn chị ở đội tuyển quốc gia.
Thu hoạch lớn thứ hai chính là Việt Nam đã tận dụng rất tốt cơ hội đăng cai SEA Games để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Hình ảnh các địa điểm thi đấu đều đầy ắp khán giả, cao trào là sự cuồng nhiệt của hơn 40 nghìn cổ động viên cổ vũ cho trận chung kết bóng đá nam trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình chính là thông điệp của Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung gửi đến thế giới, đó là Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh và cuộc sống an toàn đã dần trở lại bình thường.
Việc khán giả xếp hàng dài vào các nhà thi đấu xem và cổ vũ cho các vận động viên cho thấy sức hút ngày càng lớn của thể thao trong cộng đồng. Một Việt Nam ổn định, hòa bình, con người Việt Nam thân thiện, cởi mở, đất nước Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp… chính là địa điểm lý tưởng thu hút du khách và thu hút các nhà đầu tư!
SEA Games 31 đã khép lại, nhưng lại mở ra rất nhiều cơ hội mới cho thể thao Việt Nam nói riêng và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam nói chung.