Làng Kiều Mai

Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 06/12/2004

(HNMĐT) - Làng Kiều Mai nằm ven bờ sông Nhuệ, trước Cách mạng Tháng Tám 1945 cùng với ba làng : Đình Quán, Ngoạ Long, Nguyên Xá hợp thành xã Phúc Diễn thuộc huyện Từ Liêm. Cả bốn làng có dân số là 1653 người. Tên gọi xa xưa của Kiều Mai là Mai Trang trại, nền làng cũ ở giáp Cầu Diễn.

(HNMĐT) - Làng Kiều Mai nằm ven bờ sông Nhuệ, trước Cách mạng Tháng Tám 1945 cùng với ba làng : Đình Quán, Ngoạ Long, Nguyên Xá hợp thành xã Phúc Diễn thuộc huyện Từ Liêm. Cả bốn làng có dân số là 1653 người. Tên gọi xa xưa của Kiều Mai là Mai Trang trại, nền làng cũ ở giáp Cầu Diễn.

Làng ở gần cầu, lại có rừng mơ lớn, nên mới gọi là Kiều Mai. Về sau, dân làng tin rằng, thế đất ở gần sông hay bị vận hạn (!?) nên chuyển đến chỗ hiện nay. Vết tích của làng cũ còn lại là giếng đá, vườn trúc, văn chỉ cách đây trên 20 năm vẫn còn. Điều này chứng tỏ cuộc di chuyển này diễn ra cách đây vài trăm năm. Ngày nay, Kiều Mai là một thôn của xã Phú Diễn.

Làng Kiều Mai là nơi cư trú của các họ : Đào (dòng họ lập cư đầu tiên), Nguyễn Đình (từ Hữu Thanh Oai lên), họ Lê (ở làng Phú Diễn chuyển sang), Trần (từ làng Trung Kính, nay thuộc quận Cầu Giấy). Trước đây, trai đinh trong làng chia thành hai giáp Đông và Đoài.

Kiều Mai là làng nông nghiệp đồng mùa. Xưa kia làng có 280 mẫu ruộng nhưng hầu hết nằm trong tay các gia đình thuộc thành phần địa chủ. Chất đất lại xấu, nên năng suất lúa rất thấp, đời sống dân làng rất nghèo. Trước Cách mạng, cả làng chỉ có ba ngôi nhà ngói. Từ sau trận lụt do vỡ đê Liên Mạc, được phù sa bồi nên đồng ruộng trồng khoai lang, ngô, các loại rau vụ đông rất tốt.

Làng Kiều Mai thờ ả Lã Nàng đê - một tướng của Hai Bà Trưng quê ở làng Nghĩa Lộ (nay thuộc xã Yên Nghĩa, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây). Hội làng diễn ra vào ngày mồng 10 tháng Hai. Trong hội có một số tục quan trọng :

Một là tục thi xôi cây giữa hai giáp trong làng. Mỗi giáp thổi một lượng xôi trắng đủ để chất cao thoe một cột đan vòng bằng tre như cái mũ, giáp nào chất xôi cao hơn, xôi trắng, mịn hơn thì được giải.

Hailà, tục kết nghĩa với làng Phú Mỹ ở bên kia sông. Tục kết nghĩa có hai nguồn gốc. Một nguồn từ việc thờ cúng : làng Phú Mỹ thờ Quốc công - anh trai của của ả Lã Nàng Đê cũng là tướng của Hai Bà Trưng. Một nguồn từ quan hệ canh tác. Một bộ phận lớn ruộng đất của làng Kiều Mai (280 mẫu) nằm sát hoặc nằm xen với ruộng của làng Phú Mỹ (1091 mẫu) nên hai làng coi nhau như anh em. Hiện tại đình làng còn bản “Giao từ sự” lập ngày10 tháng Giêng năm Duy Tân thứ năm (1911) ghi lại việc chức dịch và dân hai làng lập thỏa ước kết nghĩa được duy trì từ lâu đời. Mỗi năm, vào ngày hội của làng Phú Mỹ (mồng 7 tháng Giêng), làng Kiều Mai rước thánh xuống đình Phú Mỹ để cùng tế; đến ngày 10 tháng Hai, Kiều Mai mở hội, Phú Mỹ lại rước qua sông Nhuệ sang cùng tế.

Không chỉ giao hiếu trong tế lễ, hai làng còn có quan hệ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày. Có lần Kiều Mai bị hỏa hoạn, mấy chục ngôi nhà bị cháy, Phú Mỹ lập tức huy động góp tte, nứa, rơm rạ và nhân công sang giúp dựng lại nhà. Một lần khác, Kiều Mai bị dịch bệnh làm chết nhiều trâu bò, Phú Mỹ mang trâu sangcày giúp Quan Anh. Ngược lại, nhiều lần, Phú Mỹ vì nhiều ruộng nên cấy muộn, Kiều Mai mang trâu bò, nhân công sang cày cấy giúp. Từ năm 1989 đến nay, tục kết nghĩa giữa hai làng được phục hồi.

Làng Kiều Mai có vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và kiểm tra phong trào làm thủy lợi, chống hạn vào ngày 7 - 8 - 1955. Nơi Bác dừng chân nói chuyện với cán bộ và dân làng hiện đã được dựng bia tưởng niệm.

Kiều Mai hiện đang thay đổi sâu sắc trên con đường đô thị hóa.

TS. Bùi Xuân Đính

LANHUONG