Nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 25/05/2022

(HNM) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, các ngành được hỗ trợ gồm: Hàng không, vận tải, kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, giáo dục - đào tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông - lâm nghiệp và thủy sản… Đây đều là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Về hình thức, các ngân hàng thương mại được cấp bù lãi suất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để triển khai hỗ trợ các đối tượng theo quy định.

Chính sách này rất được kỳ vọng ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nên việc hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn rẻ để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất góp phần duy trì mặt bằng lãi suất chung ổn định, từ đó góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi nền kinh tế. Thứ ba, việc ban hành và sớm triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khẳng định cam kết đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin và động lực phát triển đất nước.

Thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Riêng chính sách về lãi suất, tổng mức miễn, giảm lãi suất của các ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp ước tính đã lên tới 1,5 tỷ USD; số nợ được cơ cấu thời hạn trả và giữ nguyên nhóm nợ là hơn 620.000 tỷ đồng.

Hiệu quả của các chương trình, kế hoạch hỗ trợ cũng đã rõ, đó là nền kinh tế tăng trưởng khá từ cuối năm 2021 đến nay, số lượng doanh nghiệp ra đời, trở lại hoạt động ngày càng nhiều… Tuy nhiên, khó khăn chưa phải đã hết, vì vậy việc hỗ trợ doanh nghiệp vẫn cần triển khai nhanh chóng. Trước hết là việc sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực thi một cách rõ ràng, dễ hiểu, thủ tục đơn giản, dễ áp dụng. Quá trình thực thi phải công khai, minh bạch, có kiểm tra, giám sát bảo đảm quyền lợi của đối tượng thụ hưởng và đúng đối tượng thụ hưởng.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp đông, đa dạng nên cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, như: Giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất; giải ngân vốn đầu tư công để kích thích các ngành sản xuất, thu hút các nguồn lực xã hội… Từ gói hỗ trợ lãi suất vừa ban hành, nhìn rộng hơn, các gói hỗ trợ khác trong chương trình phục hồi kinh tế năm 2022-2023 (trong đó có 110.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hơn 113.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội) cũng cần triển khai sớm, nhanh, hiệu quả.

Đi cùng với đó, các cấp, ngành cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thể chế về đất đai… tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong ngắn hạn, các chính sách hỗ trợ thông qua tài khóa, tiền tệ có thể giúp cộng đồng doanh nghiệp hồi phục, nhưng trong dài hạn, môi trường đầu tư, kinh doanh, thể chế là nền tảng để doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh và những tác động bên ngoài ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp bách. Chỉ khi cộng đồng doanh nghiệp phục hồi, phát triển thì nền kinh tế cũng sẽ phục hồi và phát triển.

Gia Khánh