Gia Lai quyết tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:28, 25/05/2022

(HNM) - Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có khí hậu đa dạng và diện tích lớn, thích hợp phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Phát huy những lợi thế này, Gia Lai đã và đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Trang trại trồng chuối ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai).

Nhiều tiềm năng phát triển

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, địa phương có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp hơn 845.000ha. Gia Lai còn có đất đai màu mỡ, địa hình đồi núi, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng đan xen, với khí hậu đặc trưng riêng của mỗi vùng, nên có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 98.400ha cà phê, sản lượng trên 257.000 tấn; cao su có diện tích khoảng 88.650ha, sản lượng trên 123.700 tấn; hồ tiêu có diện tích khoảng 13.700ha, sản lượng trên 49.500 tấn; điều có diện tích trên 21.300ha, sản lượng khoảng 17.100 tấn. Cây ăn quả các loại có diện tích trên 21.300ha…

Tính đến giữa tháng 5-2022, tỉnh Gia Lai đã hình thành 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.490ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: Bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa, dược liệu. Trong số này, có 14 vùng trồng cây ăn quả; 1 vùng trồng hồ tiêu giống và thương phẩm; 1 vùng trồng cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn Organic USDA; 1 vùng sản xuất giống rau hoa và 1 vùng sản xuất dược liệu. Nông sản của địa phương được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài nước.

“Về chăn nuôi, Gia Lai hiện có đàn trâu trên 14.000 con; bò trên 434.000 con (đứng thứ nhất vùng Tây Nguyên); lợn trên 462.000 con, đàn gia cầm trên 4 triệu con. Tỉnh xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong 3 thế mạnh (cùng với công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo - du lịch), được ưu tiên phát triển và mời gọi đầu tư”, ông Lưu Trung Nghĩa thông tin.

Nhận xét về chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng Gia Lai cần tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp có các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân; hướng tới xuất khẩu nông sản sang các thị trường cao cấp ở châu Âu.

“Ngoài ra, tỉnh cần chủ động xây dựng, thực thi các chính sách ưu đãi, khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào khâu trồng trọt, thu hoạch, chế biến sâu các mặt hàng nông sản, nhằm nâng cao năng suất, giá trị, sức cạnh tranh. Đồng thời, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Hiện thực hóa lợi thế

Ngày 14-5 vừa qua, doanh nghiệp DHN (Công ty liên doanh giữa Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (thành phố Hồ Chí Minh) đã khởi công dự án "Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai" tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng.

Ông Koen De Heus, đồng Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus, cho biết: “Tận dụng những ưu đãi của địa phương, chúng tôi sẽ xây dựng tổ hợp rộng 100ha, gồm: Khu trang trại chăn nuôi 2.500 con lợn giống cụ kỵ chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan, nhà máy giết mổ lợn thịt, nhà máy sản xuất phân hữu cơ… đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Tổ hợp sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới; chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, tạo việc làm cho 300 lao động…”.

Trước đó, từ đầu năm 2021, chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Gia Lai đã thu hút được 2 nhà đầu tư lớn là Tập đoàn THACO (tỉnh Quảng Nam) và Hoàng Anh Gia Lai đầu tư Dự án chăn nuôi bò thịt của THAGRICO tại xã IaPuch, huyện Chư Prông, quy mô 35.000 con, công suất nuôi 140.000 con/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 1.993 tỷ đồng; Dự án chăn nuôi lợn thịt kết hợp chăm sóc và phát triển cây cao su của Hoàng Anh Gia Lai Agrico ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, quy mô 160.000 con, công suất nuôi 400.000 con/năm với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Tiếp tục phát huy lợi thế, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển các lĩnh vực thế mạnh. Theo đó, các dự án được ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đắk Đoa quy mô 459,04ha, tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Pleiku, quy mô 3 giai đoạn, diện tích 100ha với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng,...

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành thông tin: “Nông nghiệp Gia Lai đang phát triển theo hướng hữu cơ, đầu tư công nghệ và gắn liền với chuỗi giá trị. Gia Lai phấn đấu chủ động được nguồn nhân lực chất lượng cao qua đào tạo từ Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai và Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh (Phân hiệu Gia Lai)… Chúng tôi quyết tâm biến Gia Lai trở thành một trong những thủ phủ của nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam”.

Hồ Phong Sơn