Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái

Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 26/05/2022

(HNM) - Triển khai Tháng nhân đạo năm 2022 (diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 31-5), với chủ đề: “Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái” bằng nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã góp phần lan tỏa yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ đến cộng đồng. Cứ thế, ở đâu người dân gặp khó, ở đó có sự hỗ trợ của mạng lưới Chữ thập đỏ.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cùng Hội Chữ thập đỏ quận Hoàn Kiếm và các nhà hảo tâm trao tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của quận.

Ngày 18-5 vừa qua, hàng chục người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) đến trụ sở UBND xã từ sáng sớm để được khám, tư vấn cách thức chăm sóc sức khỏe miễn phí do Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm thực hiện. Đón nhận kết quả có người vui vì bản thân khỏe mạnh, có người băn khoăn vì cần phải đi khám chuyên sâu, nhưng ai nấy đều xúc động trước sự quan tâm của các cơ quan chức năng dành cho họ.

Bà Nguyễn Thị Lương bày tỏ: “Gia đình tôi quanh năm lam lũ với ruộng đồng, ít quan tâm đến việc khám sức khỏe. Dịp này, tôi được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, lại được tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, ăn uống sao cho bảo đảm dinh dưỡng, ổn định huyết áp, tôi rất vui. Từ bây giờ, tôi sẽ dành thời gian tập thể dục thường xuyên”.

Ngoài xã Phùng Xá, trong Tháng nhân đạo năm 2022, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội còn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại nhiều địa điểm. Theo Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe (Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội) Đoàn Đại Dương, sau thời gian dài dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số trường hợp, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện khám sức khỏe. Vì thế, các cấp hội tập trung triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe cho người dân tại cộng đồng.

Là một trong những đơn vị đồng hành với Hội Chữ thập đỏ, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Công nghệ y tế FACARE quốc tế Phạm Minh Tuân bày tỏ: “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, nên chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn. Đó chính là “mệnh lệnh” từ trái tim của những người hoạt động trong lĩnh vực y tế”.

Cùng với hoạt động trên, việc hỗ trợ phương tiện, sinh kế cũng là chương trình trọng tâm của các tổ chức hội, chi hội Chữ thập đỏ trong tháng cao điểm toàn dân làm nhân đạo. Tùy trường hợp, nhu cầu, độ tuổi, những trường hợp gặp khó khăn được hỗ trợ theo những hình thức khác nhau. Trong đó, hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận xe đạp, giúp con đường đến trường của các cháu thuận lợi hơn. Người không may gặp thiên tai, hoạn nạn được hỗ trợ kinh phí để khắc phục khó khăn trước mắt. Gia đình có thành viên còn khả năng lao động, sống ở nông thôn được tặng bò sinh sản. Những gia đình phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp có cơ hội xây dựng, sửa chữa nhà thông qua mô hình “nhà chữ thập đỏ”... “Không gì vui hơn khi gia đình chúng tôi sắp được bàn giao "nhà chữ thập đỏ". Tấm lòng này của cộng đồng chúng tôi xin ghi nhận, biết ơn bằng cách nỗ lực vượt lên khó khăn”, bà Dương Thị Vỡ, thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) phấn khởi nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, trong Tháng nhân đạo, toàn thành phố đặt mục tiêu hỗ trợ về nhiều mặt cho ít nhất hơn 8.000 lượt người. Mỗi quận, huyện, thị xã xây dựng, khởi công ít nhất một công trình nhân đạo trị giá từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn lực cộng đồng đến với những trường hợp khó khăn vượt xa mục tiêu đề ra. Ước tính, các cấp hội đã trợ giúp cho hơn 10.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 50 công trình nhân đạo... Đối tượng được trợ giúp gồm cả người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh bạn...

Dưới góc nhìn khách quan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá, các chương trình, hoạt động do các cấp Hội Chữ thập đỏ ở Thủ đô triển khai trong Tháng nhân đạo nói riêng, trong các chương trình, hoạt động thường xuyên nói chung mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần tạo điểm tựa cho những người, gia đình gặp khó vươn lên. Đó cũng là giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, cố gắng không để ai phải thiếu ăn, thiếu mặc, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Vũ Minh