Tăng cường phân cấp, phân quyền trong thanh tra và khám, chữa bệnh

Đời sống - Ngày đăng : 18:38, 26/05/2022

(HNMO) - Chiều 26-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tại tổ.

Quan tâm khám, chữa bệnh cho trẻ em

Thảo luận về dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới vấn đề khám, chữa bệnh cho trẻ em. Theo Chủ tịch nước, trong luật hiện hành chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành Y tế trong khám, chữa bệnh đối với trẻ em.

Chủ tịch nước đề nghị việc sửa đổi luật lần này cần đồng bộ, cụ thể hóa quyền được chăm sóc sức khỏe trẻ em trong Luật Trẻ em 2016. Theo đó, đối tượng trẻ em cần được mở rộng nghĩa là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em 2016, thay vì quy định dưới 6 tuổi. Trẻ em ngoài việc được ưu tiên khám trước, xét nghiệm, điều trị trước còn được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bị tàn tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, trẻ em bị một số bệnh hiểm nghèo cần được quan tâm đặc biệt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị không áp dụng hạn mức trần thanh toán, các dịch vụ khám, chăm sóc điều trị, áp dụng cho trẻ em theo Luật Trẻ em, trẻ em gặp các bệnh hiểm nghèo không có khả năng chi trả…

Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 3 cấp (khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu) là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến để dự án Luật phù hợp hơn với thực tiễn, trong đó, cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có sự đầu tư cho phù hợp, bởi đây là cấp thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu thảo luận.

“Mặc dù chúng ta phân thành 3 cấp chuyên môn nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở, chọn tuyến tỉnh, Trung ương vì được thông tuyến bảo hiểm. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở Trung ương, còn địa phương thì vắng. Vì thế, việc sửa đổi luật cần hướng đến việc giảm quá tải tuyến trên trong khi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân lại chưa được quan tâm đúng mức”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) đề cập việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh cho người dân, trong đó chú trọng việc khám, chữa bệnh từ xa để phù hợp với xu thế của các nước phát triển trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cho rằng sự phân cấp, phân quyền về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đỉnh chỉ hành nghề và thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho địa phương còn hạn chế, đại biểu Phan Huỳnh Sơn (Đoàn An Giang) cho rằng cần “phân cấp cho địa phương thực hiện đối với hành nghề y học cổ truyền, y học dân gian và bác sĩ hành nghề tại nhà”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, nhân sự Hội đồng Y khoa cũng cần được xem xét trong dự thảo luật, trong đó nên quy định cụ thể nhân sự hội đồng đến từ đâu. “Nhân sự chủ đạo của hội đồng không phải là những nhà quản lý, mà từ các hội thành viên thuộc Tổng hội y học Việt Nam”, đại biểu nói và đề nghị phân cấp cho Hội Đông y và cơ quan có chức năng cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y và bài thuốc y học cổ truyền.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự thảo luật sửa đổi lần này có nhiều sự thay đổi rất căn bản với mục tiêu nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân; đảm bảo phát triển công bằng giữa cơ sở nhà nước và tư nhân. “Mong muốn lớn nhất là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân cả nước. Đó cũng là lý do nội dung của dự thảo luật lấy người dân làm trung tâm”, Bộ trưởng nói.

Phân cấp, phân quyền cho thanh tra

Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ hệ thống thanh tra ba cấp: Cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Chủ tịch nước cho rằng hiện nay đang thực hiện phân cấp, giao quyền mạnh cho các địa phương, vì vậy, cần có bộ máy để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, các cơ quan chức năng ở địa phương, nhất là cấp huyện.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sửa đổi luật phải hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của ngành thanh tra và nhiệm vụ thanh tra. Đồng thời, xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như giảm bớt sự trùng lắp, chồng chéo, tránh phiền hà cho đối tượng thanh tra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ.

Về việc có nên giữ hay bỏ thanh tra cấp huyện, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước đây có đề án nghiên cứu muốn tập trung cho cơ quan thanh tra trung ương và cấp tỉnh, bỏ thanh tra cấp huyện. Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thanh tra cấp huyện là cơ quan gần dân nhất, là cấp cơ sở và có nhiều việc, vì vậy, không những phải giữ mà còn cần tăng cường nhân lực và tạo điều kiện hơn nữa. Về hình thức thanh tra, Chủ tịch Quốc hội tán thành với việc bỏ thanh tra thường xuyên để tập trung cho hình thức thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.

Đồng tình cao với việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng đây là cơ quan tham mưu giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và cũng phù hợp với nguyên lý là ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp để kiện toàn tổ chức biên chế và đổi mới phương thức hoạt động bảo đảm các điều kiện cần thiết để cơ quan thanh tra huyện có đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Còn đại biểu Nguyễn Sỹ Quang (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần đề cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thanh tra trong ban hành kết luận thanh tra, tránh tình trạng ra kết luận chuyển cơ quan điều tra thẩm tra, xác minh. “Quy định này phù hợp với việc chúng ta đang thực hiện việc tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự”, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang nói.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị tăng thẩm quyền cho cơ quan thanh tra, trong đó đáng chú ý là bổ sung chức năng phòng, chống lãng phí cho cơ quan thanh tra; tăng cường phân cấp cho thanh tra cấp huyện; có điều khoản quy định cụ thể trình tự, thủ tục giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành…

Mai Hữu – Tuấn Minh