Bài 2: Hai mối lo song hành

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:21, 26/05/2022

(HNM) - Tính đến tháng 4-2022, Hà Nội có 79% số trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, trong số này có nhiều trường đã quá thời hạn 5 năm, cần được kiểm tra, thẩm định để công nhận lại. Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn mới bên cạnh việc công nhận lại những trường quá hạn là hai mối lo của nhiều địa phương. Để đạt mục tiêu có 80-85% số trường chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra là thách thức không nhỏ.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Yên Thường (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm

Trường chuẩn lo rớt hạng

Theo quy định, thời hạn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là 5 năm, kể từ ngày ký quyết định. Sau khi hết hạn, trường tự đánh giá, trình cấp có thẩm quyền để được kiểm tra, công nhận lại. Khi các tiêu chí về chuẩn quốc gia đều đạt, thì trường sẽ được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia chu kỳ tiếp theo. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận lại cho 143 trường đạt chuẩn. Năm 2022, toàn thành phố cần công nhận lại cho 525 trường đã đến hạn hoặc quá hạn chu kỳ đạt chuẩn theo quy định. Song, đến tháng 3-2022, các quận, huyện, thị xã mới đăng ký 258 trường, số còn lại xin chuyển sang sau năm 2022. Nguyên nhân chính là các nhà trường khó đáp ứng được tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và sĩ số học sinh/lớp, nhất là trong bối cảnh các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều thay đổi. Trong khi đó, nhiều quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội có tốc độ gia tăng dân số nhanh, kéo theo áp lực về việc phải bảo đảm chỗ học cho học sinh và việc xây dựng, mở rộng trường, lớp mới chưa kịp đáp ứng. 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, một trong những khó khăn cơ bản là việc thực hiện theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26-5-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học” và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26-5-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông”, quy định tăng số lượng phòng bộ môn, các yêu cầu về sân chơi, bãi tập thể dục, thể thao phải được đáp ứng theo từng cấp học. Vì vậy, các trường học đã được đầu tư xây dựng trước năm 2020 và những trường có diện tích hẹp đều chưa đáp ứng yêu cầu này. 

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh thông tin, đến năm 2022, quận có 6 trường đến hạn đánh giá, kiểm tra, công nhận lại, nhưng có 1-2 trường không thể công nhận lại, vì không đáp ứng được tiêu chuẩn trường chuẩn về cơ sở vật chất. Việc đáp ứng tiêu chuẩn về sĩ số học sinh/lớp cũng là một khó khăn khi công nhận trường chuẩn đối với các trường khu vực nội thành.

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho hay, huyện có 63/72 trường công lập đạt chuẩn. Song, đến nay có 17 trường đã quá hạn, cần công nhận lại. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiến độ thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, đầu tư bổ sung mua sắm trang thiết bị cho các trường đã bị ảnh hưởng. 

Ngoài ra, thực tế cho thấy, sau chu kỳ 5 năm đạt chuẩn, các hạng mục cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trường học xuống cấp, không còn đáp ứng tiêu chuẩn trường chuẩn, trong khi nhà trường gặp khó khăn về kinh phí đầu tư sửa chữa, thay mới. 

Nội thành thiếu đất, ngoại thành thiếu kinh phí

Trong quá trình xây dựng trường chuẩn, việc phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học đáp ứng các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, hầu hết các trường ở khu vực ngoại thành đều gặp vướng mắc do thiếu kinh phí. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến, toàn huyện có 54/79 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 68,3%. Khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ trường chuẩn của huyện đạt thấp hơn so với bình quân chung toàn thành phố.

Tương tự, huyện Ba Vì cũng là địa phương có tỷ lệ trường chuẩn thấp hơn mức bình quân chung của thành phố (65%). Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, nguyên nhân chính do Ba Vì khó khăn về kinh phí đầu tư, trong khi việc huy động nguồn vốn xã hội lại hạn chế. Do đó, việc xây dựng trường học đạt chuẩn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của thành phố. 

Trong khi đó, ở khu vực nội thành với đặc điểm đất chật, người đông, nên khó khăn thường gặp là thiếu quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho hay, thách thức lớn đối với công tác xây dựng trường chuẩn là trên địa bàn quận tập trung nhiều khu đô thị mới, dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến quy mô học sinh biến động lớn, nhưng việc mở rộng diện tích cho các trường học rất khó khăn. 

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn nhất là cấp tiểu học, khi quy định của điều lệ là không quá 35 học sinh/lớp, nhưng số học sinh trong độ tuổi tăng mạnh và nhiều trường diện tích hạn hẹp. Hầu hết các trường phải cải tạo, mở rộng diện tích sử dụng bằng cách nâng số tầng. 

Cũng theo ông Phạm Gia Hữu, một khó khăn khác cần được tháo gỡ là theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để bảo đảm tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, 1 trường tiểu học có tối đa 30 lớp, tương đương với 1.050 học sinh. Thực tế, khu vực nội thành khó khăn về quỹ đất, nên khó đáp ứng tiêu chuẩn số lớp/trường, càng khó có thể xây dựng thêm trường mới.

(Còn nữa)

Thống Nhất