Bài cuối: Nỗ lực về đích

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:30, 27/05/2022

(HNM) - Hiệu quả của việc ưu tiên mọi nguồn lực để tăng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn ở Hà Nội lên mức 79% như hiện nay đã và đang góp phần làm chuyển biến rõ nét chất lượng dạy và học. Với mục tiêu đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đạt mục tiêu nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn ở mức 80-85% vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra.

Số lượng trường đạt chuẩn của huyện Ba Vì ngày càng tăng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Trung học cơ sở Phong Vân (huyện Ba Vì). Ảnh: Trọng Hiếu

Phát huy hiệu quả đầu tư

Kết quả đầu tư xây dựng trường chuẩn không chỉ tạo diện mạo khang trang, hiện đại cho các nhà trường, mà còn tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường.

Từ một địa phương nằm trong nhóm 5 đơn vị đứng cuối cùng của thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, với sự bứt phá trong vài năm gần đây, Ba Đình đã nâng tỷ lệ trường chuẩn lên 82%, chất lượng giáo dục của các trường học trên địa bàn có sự chuyển biến rõ nét.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận, năm học 2020-2021, quận Ba Đình đứng vị trí thứ 6/30 quận, huyện, thị xã về chất lượng giáo dục và đào tạo, tăng 6 bậc thi đua so với năm học 2019-2020; chất lượng giáo dục mũi nhọn của quận thuộc nhóm dẫn đầu thành phố và đang tiếp tục có nhiều khởi sắc...

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, khi có thêm nhiều giáo viên, học sinh được dạy, học trong môi trường giáo dục đạt chuẩn, điều kiện sinh hoạt tốt hơn, chất lượng giáo dục cũng có chuyển biến đáng kể. Đơn cử, năm học 2021-2022, điểm trung bình các môn thi của học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông tăng hơn 0,3 điểm/môn so với năm học 2020-2021. Cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi đầy đủ cũng góp phần tăng tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày từ 50% lên gần 100%, tỷ lệ học sinh ăn bán trú đạt gần 90%.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mê Linh (huyện Mê Linh) Nguyễn Duy Chung cho hay, được dạy, học trong điều kiện trường đạt chuẩn, thầy và trò nhà trường có thêm động lực cố gắng. Thầy, trò thường xuyên động viên, nhắc nhở nhau gìn giữ, phát huy hiệu quả đầu tư, tận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có và thi đua dạy, học tốt hơn, phấn đấu nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và trúng tuyển đại học đạt mức cao nhất trong năm nay.

Quyết tâm về đích đúng hẹn

Để đạt mục tiêu có 80-85% số trường đạt chuẩn vào năm 2025, thành phố Hà Nội đã xây dựng lộ trình từng năm, trong đó năm 2022 cần xây dựng thêm 70 trường đạt chuẩn. Hiện, các địa phương, đơn vị đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa thông tin, để giải quyết bài toán quá tải trường học do số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh tăng mạnh (trung bình tăng 6.000 học sinh/năm), UBND quận Hà Đông đã ban hành kế hoạch định hướng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị có trọng điểm đối với các trường đang trong quá trình xây dựng chuẩn quốc gia và duy trì chất lượng trường đã đạt chuẩn. Trong năm 2021 và 2022, UBND quận đã dành 20 tỷ đồng hỗ trợ các trường xây dựng chuẩn và 11 tỷ đồng cho công tác chống xuống cấp trường học. Các giải pháp để giải quyết khó khăn về quỹ đất cũng đã cơ bản được giải quyết theo lộ trình…

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường, toàn huyện hiện còn 4 trường chưa đạt chuẩn quốc gia, đã được đưa vào kế hoạch đầu tư, trong đó 2 trường được đầu tư đạt chuẩn trong năm nay, còn lại 2 trường vào năm sau. Các trường này đều có chung khó khăn là diện tích đất nhỏ, không đáp ứng tiêu chí trường chuẩn. Ông Hoàng Việt Cường thông tin thêm, giải quyết khó khăn này, UBND huyện đã khẳng định ưu tiên dành quỹ đất cho từng trường, bảo đảm các tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Tin vui với các địa phương, ngày 8-4-2022, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND “Về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố”. Trong đó, ngân sách thành phố dự kiến hỗ trợ các huyện, thị xã xây dựng trường học để đủ điều kiện đạt chuẩn từ nay tới năm 2025 là gần 15.000 tỷ đồng. Với lộ trình này, bài toán về kinh phí với các huyện, thị xã trong xây dựng trường đạt chuẩn cơ bản được tháo gỡ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, thời gian qua tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn của các địa phương còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sở đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường rà soát, bảo đảm xây dựng trường chuẩn theo đúng, đủ các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung nguồn lực, ưu tiên dành quỹ đất cho xây dựng, mở rộng trường học…

“Mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia vào năm 2025 rất quan trọng, nhưng các đơn vị vẫn phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn trường chuẩn thực chất, góp phần tạo chuyển biến vững chắc về chất lượng dạy học. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình công nhận mới, công nhận lại các trường chuẩn quốc gia, bảo đảm chất và lượng. Đối với những trường công nhận lại, nếu hết thời hạn mà không đủ điều kiện công nhận lại, thì dứt khoát loại khỏi danh sách”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Thống Nhất