Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:32, 28/05/2022
Sau 17 ngày tranh tài kể từ 6-5 (ngày thi đấu đầu tiên của môn bóng đá nam), các vận động viên Việt Nam đã giành tổng cộng 446 huy chương, trong đó có 205 Huy chương Vàng (HCV), giữ vị trí nhất toàn đoàn và bỏ xa nước thứ hai là Thái Lan với 92 HCV.
Có thể nói đó thực sự là mùa vàng bội thu của thể thao Việt Nam. Với thành tích này, Việt Nam trở thành quốc gia giành được nhiều HCV nhất trong lịch sử tại một kỳ SEA Games, bỏ xa kỷ lục 194 HCV của Indonesia tại SEA Games Jakarta năm 1997.
Đặc biệt là ngoài 2 HCV bóng đá nam và bóng đá nữ, chúng ta đã có 22 HCV ở môn điền kinh, 11 HCV môn bơi lội, 7 HCV môn thể hình, thể dục dụng cụ... Đây là những môn thể thao cơ bản thuộc hệ thống thi đấu Olympic.
Việc chúng ta đứng đầu bảng tổng sắp huy chương, nhất là con số 119 HCV ở các môn có trong chương trình thi đấu Olympic Paris 2024 - một con số “áp đảo” các đoàn thể thao khác, không chỉ khẳng định quyết tâm, nỗ lực to lớn để đem về vinh quang cho Tổ quốc của các vận động viên, mà còn cho thấy thể thao Việt Nam đã, đang được quan tâm đầu tư và phát triển đúng hướng.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không chỉ là thành tích thể thao. Mới cách đây chưa lâu, Việt Nam còn trong cao điểm của dịch Covid-19, đời sống kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn đại dịch thế kỷ.
Song, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại lễ bế mạc SEA Games 31: "Dịch bệnh Covid-19 đã buộc chúng ta phải lùi thời gian tổ chức SEA Games 31 từ tháng 11-2021 sang tháng 5-2022. Tuy nhiên, điều đó lại càng làm cho chúng ta tiến lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, hành động quyết liệt hơn, vượt lên tất cả khó khăn, thách thức vì tình yêu thể thao cao thượng để tổ chức thành công SEA Games 31".
Với những giải pháp phòng chống dịch linh hoạt và hiệu quả, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tập trung nguồn lực hướng tới một mục tiêu quan trọng là gánh vác vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31.
Và những gì mà hơn 10 nghìn vận động viên, huấn luyện viên, quan chức thể thao, cổ động viên của các nước và đội ngũ trọng tài, phóng viên quốc tế, cùng với đó là hàng vạn du khách đến Việt Nam trong thời gian diễn ra SEA Games 31, được chứng kiến đã chứng minh thành công cũng như hiệu quả của công tác tổ chức một sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực. Từ điều kiện kỹ thuật chuyên môn, địa điểm thi đấu cho tới điều kiện ăn, ở của các đoàn thể thao, hơn thế nữa là an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội..., tất cả đều được đảm bảo. Đáng chú ý là các địa điểm thi đấu ở Hà Nội và 11 tỉnh, thành lân cận luôn chật cứng khán giả cổ vũ cuồng nhiệt, kể cả khi không có vận động viên nước chủ nhà thi đấu.
Công tác tổ chức SEA Games 31 thành công trọn vẹn thêm một lần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, thái độ thân thiện, mến khách và sự cổ vũ nhiệt tình, vô tư của người dân chính là yếu tố “ghi điểm”, gây ấn tượng sâu sắc đối với các vận động viên, cổ động viên, quan chức thể thao, phóng viên báo chí đến từ các nước.
Chắc chắn rằng những người bạn quốc tế tới Việt Nam dịp diễn ra kỳ SEA Games này sẽ khó mà quên được không khí sôi động cùng hình ảnh các khán đài sân vận động, nhà thi đấu, đường phố ngập tràn màu đỏ của quốc kỳ Việt Nam. Rất nhiều vận động viên, phóng viên nước bạn đã chia sẻ rằng họ dường như “được truyền năng lượng” từ các cổ động viên nước chủ nhà.
Có thể nói, hơn ai hết, chính người dân đã biến kỳ đại hội thể thao khu vực thành một lễ hội thực sự. Và cùng với những sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức song hành với SEA Games 31, người dân chính là những “đại sứ văn hóa”, “đại sứ du lịch” đã tích cực quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, đậm đà bản sắc, phát triển ổn định, phồn vinh, thực sự là một điểm đến đáng đến cũng như hình ảnh con người Việt Nam hào sảng, thân thiện, mến khách đến với bạn bè quốc tế.