“Tỏa rạng” Thăng Long tứ trấn
Văn hóa - Ngày đăng : 06:19, 28/05/2022
Những giá trị đa chiều
Cụm di tích Thăng Long tứ trấn thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch của kinh thành Thăng Long, với ý nghĩa bảo vệ sự bình yên cho Kinh đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội. Được hình thành lần lượt qua nhiều triều đại, nếu như đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm) gắn với sự tích thần Long Đỗ giúp vua Lý Thái Tổ dựng thành và được ban phong hiệu “Thăng Long thành hoàng đại vương”, thì các di tích: Voi Phục, Quán Thánh (quận Ba Đình), Kim Liên (quận Đống Đa) lại là nơi thờ phụng Linh Lang Đại vương, Huyền Thiên Trấn Vũ, Cao Sơn Đại vương - những đức thần có công giúp các triều đại lịch sử dẹp giặc, trừ tà, củng cố vương triều. Không chỉ thờ phụng bốn vị thần khác nhau, bốn ngôi đền còn mang những nét kiến trúc nghệ thuật, văn hóa tâm linh riêng biệt, nơi lưu giữ nhiều hiện vật, di vật chứa đựng những giá trị văn hóa lịch sử to lớn, như: Bức tượng thần Long Đỗ; tấm bia đá “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh” hay Bảo vật quốc gia bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ...
Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh (Viện Nghiên cứu kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, khái niệm Thăng Long tứ trấn là một sự “sáng tạo truyền thống” của các nho sĩ thời Nguyễn trong bối cảnh triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đang chịu sự áp bức sâu sắc của thực dân xâm lược, nhằm nhắc nhớ một kinh đô Thăng Long có tứ trấn bảo vệ, với niềm kiêu hãnh, tự hào. Những truyền thuyết, điển tích về sự hình thành của bốn ngôi đền thiêng bậc nhất chốn kinh kỳ cũng cho thấy, nơi đây không chỉ là những di tích lịch sử độc đáo, mà còn là biểu tượng cho đời sống văn hóa tâm linh, nơi người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng gửi gắm niềm tin thiêng liêng về sự trấn giữ, ngăn chặn thiên tai, địch họa...
Còn theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc, với lịch sử lâu đời, sự hình thành và phát triển gắn với những thời điểm phồn thịnh nhất của Kinh thành Thăng Long cùng giá trị văn hóa tâm linh độc đáo, việc Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn là sự ghi nhận, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của cụm di tích, góp phần tạo dựng bản sắc riêng có cho mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Tôn vinh, quảng bá xứng đáng
Thăng Long tứ trấn không chỉ là những di tích lịch sử ghi dấu một thời kỳ oai hùng của dân tộc, mà còn là biểu tượng văn hóa ở nơi lắng hồn núi sông ngàn năm Kinh đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội. Trải qua hơn ngàn năm lịch sử với bao biến cố thăng trầm cũng như nhiều đợt trùng tu, tôn tạo lớn nhỏ, những giá trị văn hóa tâm linh, kiến trúc nghệ thuật của Thăng Long tứ trấn đến giờ cơ bản vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, góp phần tạo nên sự uy nghi, trầm mặc và cổ kính cho mảnh đất ngàn năm văn hiến hôm nay. Việc Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn cho thấy, cần tiếp tục có những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị xứng đáng với vai trò, vị trí của cụm di tích trong đời sống đương đại.
Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, để bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long tứ trấn, cần nắm rõ những giá trị cơ bản của bốn ngôi đền, gồm giá trị về lịch sử, văn hóa và giá trị khoa học, từ đó đề ra những giải pháp tôn vinh, quảng bá hiệu quả.
Là nơi sở hữu hai trong bốn di tích thuộc Thăng Long tứ trấn là đền Voi Phục và Quán Thánh, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết: “Quận sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, gìn giữ lâu dài di sản; đẩy mạnh xã hội hóa, tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích; chú trọng tuyên truyền, quảng bá, góp phần đưa di tích trở thành một địa điểm tham quan, nghiên cứu, khám phá lý thú và hấp dẫn của Thủ đô”.
Còn theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, thời gian tới quận sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể các di tích, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt đền Kim Liên; thu thập dữ liệu, nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền công nhận lễ hội đền Kim Liên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đối với di tích đền Bạch Mã, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, việc bảo tồn di tích đền Bạch Mã sẽ gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và quận Hoàn Kiếm, nhất là với Khu phố cổ Hà Nội. Trong đó, có 5 nhiệm vụ được đề ra, gồm: Tiếp tục nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hơn những vấn đề về lịch sử, văn hóa gắn liền với di tích; có kế hoạch toàn diện, cụ thể để bảo vệ, bảo quản tốt; nghiên cứu, khôi phục Lễ hội nghênh xuân; đa dạng công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản; phát huy vai trò cộng đồng, thực hiện tốt phương châm xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích đền Bạch Mã.