Cơ hội thưởng thức văn học châu Âu
Sách - Ngày đăng : 13:20, 28/05/2022
Đã hơn 10 năm kể từ khi “Những ngày văn học châu Âu” được tổ chức thường niên tại Hà Nội, sau đó mở rộng tới thành phố Hồ Chí Minh. Qua cây cầu nối này, hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, tự truyện, thơ đã đến với độc giả yêu văn chương. Có thể kể tới tự truyện “Đời tôi” của Marcel Reich-Ranicki, tập truyện ngắn “Đột nhiên có tiếng gõ cửa” của Etgar Keret, “Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo” của Jean-Pierre Orban, “Người đàn bà trên cầu thang” của Bernhard Schlink, “Giờ Đức văn” của Siegfried Lenz, “Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra” của Oriana Fallaci...
Đặc biệt, rất nhiều tác phẩm hay, đẹp, thú vị dành cho thiếu nhi được quảng bá qua “kênh” này như “Cuộc phiêu lưu của quả lê khổng lồ” của Jacob Martin Strid, bộ ba cuốn “Bật mí tất tần tật về bố mẹ” của Francoize Boucher, “Rico, Oscar và cơn đau vỡ tim” của Andreas Steinhoefel, “Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại” của Liselotte Welskopb - Henrich, “Chú chó mang tên Money” của Bodo Schäfer, “Những cuộc phiêu lưu của Pettson và Findus” của Sven Nordqvist... Chị Nguyễn Thị Phương Lan (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi rất quan tâm tới sự kiện Những ngày văn học châu Âu bởi ở đây có giới thiệu nhiều cuốn sách hay cho trẻ em mà trước đây tôi không hề biết. Nhờ đó, bọn trẻ nhà tôi mới biết đến những người bạn như Pippi tất dài, phóng viên chuột Geronimo, đôi bạn Jip và Janneke”.
Lâu nay, văn học châu Âu được biết đến nhiều ở Việt Nam thường là các tác phẩm của Nga, Anh, Pháp. Với các quốc gia khác, các đơn vị xuất bản thường chỉ chọn dịch những tác phẩm đạt giải thưởng văn chương hoặc lọt vào danh sách best seller. Bởi thế, nhiều tác phẩm cận đại và đương đại từ các nền văn học Đức, Bỉ, Hungary, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ... chưa có cơ hội “làm quen” với độc giả Việt. Một phần nguyên nhân quan trọng khác là chúng ta có quá ít dịch giả để có thể chuyển ngữ những tác phẩm này, cũng như sự đầu tư vào xuất bản và truyền thông còn nhiều hạn chế.
“Những ngày văn học châu Âu”, bởi vậy, còn là “bà đỡ” để những tác phẩm này có cơ hội được tỏa sáng ở thị trường Việt. Do dịch Covid-19, 2 năm qua, sự kiện này đã phải tạm dừng và năm nay đã bắt đầu trở lại với 2 hình thức giao lưu trực tiếp và trực tuyến. Điều này cũng tạo thêm cơ hội cho cả tác phẩm và độc giả, bởi với hình thức trực tuyến, độc giả ở bất cứ nơi đâu cũng có thể tham dự và đặt câu hỏi về tác phẩm. Càng đặc biệt hơn khi thay vì xem các video quay sẵn về tác giả, dịch giả như trước đây, thì ở rất nhiều cuộc ra mắt sách trong “Những ngày văn học châu Âu" năm 2022, độc giả Việt được trực tiếp giao lưu với tác giả của cuốn sách.
Các tác phẩm được giới thiệu với công chúng trong “Những ngày văn học châu Âu" hết sức đa dạng. Cùng đại diện cho văn học Séc, nếu tiểu thuyết "Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới" của Jaroslav Hašek với những tình huống dở khóc dở cười mang đến góc nhìn mới về Thế chiến, thì “Tiền từ Hitler” là câu chuyện ám ảnh đau lòng về nạn phân biệt chủng tộc và sự áp bức dã man đối với người Do Thái. Cũng lấy bối cảnh đại chiến thế giới, tiểu thuyết "Trái tim mù lòa" của tác giả Đức Julia Franck là bức tranh về số phận của người phụ nữ - người mẹ trong chiến tranh. Đây đều là những tác phẩm nổi tiếng ở nước bạn, khi xuất bản tại Việt Nam cũng đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt.
Bên cạnh các tác phẩm văn học như tập truyện ngắn “9 màu chia ly”, tiểu thuyết trinh thám “Tội lỗi”, tuyển tập thơ của Ukraine, những cuốn sách học thuật như “Yêu sách của Antigone”, “Thuyết màu”, “Xã hội số - Hiểu về xã hội kỹ thuật số” cũng được ưu tiên giới thiệu. Cùng với đó là nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi như “Chuyện kể trên điện thoại”, “Chăm sóc hành tinh chúng mình”, “Robinson có tự kỷ của tôi”, “Tommy, cá sấu nhỏ”...
Có thể nói, “Những ngày văn học châu Âu” luôn là một bữa tiệc mang đến món ăn mới lạ và hấp dẫn cho độc giả. Đọc thêm một tác phẩm là một lần độc giả hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và con người của đất nước ấy, từ đó thêm một lần mở rộng thế giới quan.