Bài 2: Chung sức, đồng lòng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 28/05/2022
Tạo không gian phát triển mới
Sau nhiều lần rà soát, quy hoạch đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới và bảo đảm hiệu quả đầu tư. Tại tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, dự án được xác định có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, thuộc địa bàn 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Nhằm giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài Vành đai 4 đi trên cao. Còn khoảng 39,13km (Hà Nội 10,53km, Hưng Yên 8,4km, Bắc Ninh 20,2km) được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Dự án cũng được thiết kế với 8 nút giao gồm: Cao tốc Hà Nội - Lào Cai; trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 38; cao tốc Nội Bài - Hạ Long; hoàn thiện nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa phần lớn cao tốc đi trên cao sẽ tận dụng được không gian mặt đất dưới gầm cầu cạn để làm đường giao thông; bảo đảm liên kết đô thị hai bên tuyến đường (trong trường hợp cao tốc đi bằng sẽ chia cắt hai bên tuyến đường); tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất khu vực tuyến đường đi qua.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, việc mở rộng Vành đai 4 cho phép thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn. Quan trọng hơn, dự án còn tạo sức hút để giãn mật độ cư dân trong trung tâm đô thị, từ đó phát triển chuỗi đô thị vệ tinh bao gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên cùng việc kết nối chuỗi đô thị thành phố Hà Nội với những khu vực đô thị, công nghiệp thuộc Vùng Thủ đô. Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội. Ngay khi đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm một cách hoàn chỉnh cũng như chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3 và Vành đai 4.
Phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ
Không chỉ với riêng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của các địa phương bạn. Đại diện các tỉnh có tuyến đường đi qua đều khẳng định sẽ “chung sức, đồng lòng” để triển khai đồng bộ tuyến vành đai trọng điểm liên vùng này. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết: “Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Bắc Ninh rất cần kết nối vùng, mở ra không gian phát triển trong tương lai”.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng bày tỏ, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 là mong mỏi bấy lâu nay của chính quyền và nhân dân tỉnh. Hưng Yên đang có các khu đô thị lớn cận kề với Thủ đô Hà Nội nên việc xây dựng, kết nối Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua tỉnh là rất cần thiết. Thời gian tới, Hưng Yên sẽ xây dựng tuyến đường rộng 70m hướng dọc sông Hồng giao cắt với tuyến đường Vành đai 4 và Vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương và phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc phát triển các đường cao tốc địa phương nào cũng cần, nhưng nếu so sánh thì tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là quan trọng bậc nhất. Nếu không quyết tâm đẩy nhanh, làm sớm, thì về sau càng khó khăn và giá cả đội lên rất cao. Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải rất ủng hộ chủ trương xây dựng tuyến đường này. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội và các địa phương để dự án triển khai được thuận lợi, phát huy hiệu quả.
(Còn nữa)
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030...