Dấu ấn dân tộc trong thiết kế thời trang

Văn hóa - Ngày đăng : 06:15, 29/05/2022

(HNMCT) - Đúng như nhà thiết kế Minh Hạnh từng khẳng định: "Gươm báu đi chinh chiến xứ người không gì khác chính là bản sắc dân tộc", nhiều nhà thiết kế đã định hình phong cách, tên tuổi nhờ biết khai thác vốn văn hóa dân tộc trong thiết kế của mình.

Thiết kế trong bộ sưu tập “Việt Nam rực rỡ gấm hoa” của NTK Lê Long Dũng.

Kho tư liệu quý giá

Nói đến thời trang lấy cảm hứng từ văn hóa, trang phục truyền thống trong giai đoạn hiện nay, không thể không nhắc tới nhà thiết kế Thủy Nguyễn. Năm 2011, cô cho ra mắt thương hiệu Thủy Design House và từ đó đã định hình một phong cách thời trang kết hợp hiện đại với truyền thống Á Đông.

Mới đây, nhà thiết kế này đã giới thiệu bộ sưu tập mang tên “Tơ hồng” lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian của dân tộc Thái cùng khung cảnh hữu tình của núi rừng Tây Bắc. Những họa tiết được lựa chọn và phát triển từ hình ảnh thường gặp trên thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Thái như hoa ban, hươu sao, ngôi sao 8 cánh, đôi chim... cách điệu được nhà thiết kế đưa vào trang phục. Chất liệu chính dùng cho bộ sưu tập này là các chất liệu truyền thống như gấm, thổ cẩm, ren, satin...

Trước đó, Thủy Nguyễn cũng đã chinh phục được công chúng với hàng loạt bộ sưu tập lấy cảm hứng từ trang phục, văn hóa dân tộc như “Lúng liếng”, “Viên mãn”, “Gió mùa về”, “Cọc cạch”, “Mộng mị”, “Tình tang”, “Mỵ Châu”, “Tìm người trong mộng”... Giới chuyên môn nhận xét, các thiết kế của Thủy Nguyễn luôn hướng tới văn hóa truyền thống Việt Nam, thường lấy cảm hứng từ vải vóc xưa, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương và áo dài - biểu tượng của văn hóa Việt - hay các phụ kiện cổ truyền khác.

Về lựa chọn của mình, Thủy Nguyễn từng chia sẻ: “Tôi muốn tiếp tục kể chuyện, mang văn hóa và truyền thống ra ngoài sách vở, đi vào cuộc sống thật của mọi người”. Cô cũng là người thiết kế phục trang cho những bộ phim được đánh giá rất cao về văn hóa truyền thống như “Cô Ba Sài Gòn”, “Song Lang”...

Cùng với Thủy Nguyễn, gần đây, nhiều nhà thiết kế cũng đang theo đuổi con đường tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc qua thời trang và họ đã có thành công đáng tự hào. Có thể kể đến nhà thiết kế Lê Long Dũng, người nổi tiếng chuyên thiết kế trang phục dân tộc cho các người đẹp Việt tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Anh cũng dành nhiều năm theo đuổi dự án dài hơi Việt phục, tạo ra những thiết kế mới lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Lê Long Dũng từng chia sẻ: “Từ thời đi học, khi có dịp đến các bảo tàng, nhìn ngắm các cổ vật như trống đồng, trang phục các triều đại Việt Nam..., Dũng không ngừng suy nghĩ về không gian đó. Mình cứ mường tượng về bức tranh lịch sử được tái hiện trong các hiện vật, khiến mình có cảm giác muốn những trang phục, họa tiết này phải được bước ra ngoài đời thực ở thời hiện đại”.

Chìa khóa thành công

Trong làng thời trang Việt từ xưa đến nay đã có rất nhiều người theo đuổi việc đưa chất liệu truyền thống, họa tiết lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử dân tộc vào thời trang ứng dụng. Nhưng đưa nó lên thành “công thức cho thành công” có lẽ phải kể đến công của nhà thiết kế Minh Hạnh với hành trình miệt mài vừa tìm tòi sáng tạo, vừa quảng bá, vừa truyền dạy “triết lý bản sắc” trong thời trang.

Nhà thiết kế Minh Hạnh từng chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần: “Tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng: Trong sáng tạo của một nhà thiết kế thì truyền thống là gia tài. Bạn mà không biết cách sử dụng, giữ gìn nó thì chắc chắn gia tài sẽ mất đi mỗi ngày và bạn sẽ không bao giờ giàu có được cả ở nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Không có cái đó, ai nhận ra bạn trong "thế giới phẳng" này? Đó là một điều rất rõ ràng. Các nhà thiết kế trẻ hiện nay bị giằng xé giữa thị trường và quan điểm sáng tạo cá nhân nhưng sau khi bị thị trường "đánh" bầm dập, hiểu được bản chất thị trường thì họ sẽ càng thấy rằng, việc bám sát truyền thống chính là một quỹ đạo của thời trang. Đi theo quỹ đạo đó các nhà thiết kế sẽ thành công nhanh hơn”.

Thực tế, các nhà thiết kế đi theo con đường này đều có được thành công bền vững và ngày càng nhận được nhiều sự cổ vũ từ công chúng. Trong các chương trình Tuần lễ thời trang Việt Nam gần đây, có thể thấy dấu ấn ngày càng rõ của việc chú trọng yếu tố bản sắc trong thiết kế, từ chất liệu tới họa tiết.

Một thiết kế của NTK Thủy Nguyễn.

Phục hồi nghề dệt truyền thống

Không chỉ mang đến cho các nhà thiết kế danh tiếng, việc coi trọng yếu tố bản sắc trong thời trang, đặc biệt là trân trọng các chất liệu truyền thống còn có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống ở nhiều địa phương.

Lâu nay, cùng với sự mai một của trang phục truyền thống, các nghề dệt, nhuộm thủ công cũng đang dần biến mất. Tuy nhiên, với sự nỗ lực đi tìm cái mới, nhiều nhà thiết kế đã lặn lội đến vùng sâu, vùng xa để tìm kiếm chất liệu cổ truyền, đưa nó vào thiết kế của mình và khiến chất liệu đó trở nên nổi tiếng, được quảng bá và bảo tồn tốt hơn.

Nhà thiết kế Minh Hạnh từng lặn lội đến các buôn làng Tây Nguyên, lên vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), vùng núi phía Bắc để tìm hiểu về chất liệu, kiểu dáng họa tiết trên vải thổ cẩm của các dân tộc thiểu số. Chị cũng là người có công “đỡ đầu”, chắp cánh cho thổ cẩm Tà Ôi (Thừa Thiên Huế) khoe sắc trên các sàn diễn tại các sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế.

Về điều này, nghệ nhân Hồ Thị Hợp, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt zèng - thổ cẩm thị trấn A Lưới từng chia sẻ: “Chị Minh Hạnh là nhà thiết kế đầu tiên đã dùng vải zèng của người Tà Ôi để thiết kế trang phục tân thời. Trong dịp Festival nghề truyền thống Huế năm 2015, lần đầu tiên thấy các cô người mẫu sang trọng trình diễn những bộ đồ thời trang may bằng vải zèng, chị em thợ dệt chúng tôi đã bật khóc vì vui sướng, tự hào”.

Hay nhà thiết kế Võ Việt Chung là người góp phần quảng bá hình ảnh chiếc áo dài - di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với chất liệu lãnh Mỹ A ra thế giới. Các thiết kế của anh đã “đánh động” và khiến người ta quan tâm hơn tới một loại vải dệt thủ công nức tiếng khi xưa đang đứng trước nguy cơ thất truyền...

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, trước đây, một số bạn rất ngại chạm đến nghề truyền thống vì như thế thì sẽ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm, xử lý, nhưng hiện nay nó giống như công cụ để các bạn có thể làm những bộ sưu tập đặc biệt. Người tiêu dùng trong nước hiện cũng có xu hướng tìm đến chất liệu truyền thống, những gì được làm hoàn toàn thủ công. Những bộ sưu tập thời trang cao cấp nhất trên thế giới (haut couture) đều được làm bằng tay, rất công phu, tốn kém. Nếu như chúng ta tận dụng được tinh hoa từ cộng đồng các dân tộc thì giá trị và hàm lượng văn hóa Việt trong các thiết kế sẽ rất cao. Hàm lượng văn hóa Việt trong thiết kế là cách duy nhất để chúng ta tồn tại và chứng minh mình với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Đề án đang góp phần tích cực vào việc bảo tồn, khôi phục vốn di sản quý giá của dân tộc. Và, chính sự vào cuộc nhiệt tình của các nhà thiết kế đã giúp lan tỏa cảm hứng đến với cộng đồng. Rồi đây, chắc chắn không chỉ giá trị văn hóa truyền thống được phát huy mà những ngành nghề truyền thống trong lĩnh vực này cũng sẽ có cơ hội phục hồi, phát triển bền vững.

Trà Giang