Bài 3: Nhận diện và hóa giải khó khăn
Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 29/05/2022
Giải phóng mặt bằng là khâu then chốt
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quy mô giải phóng mặt bằng đối với dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là 1.341ha đất cho cả 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, riêng địa bàn Hà Nội cần bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 14.647 hộ dân và bố trí tái định cư 2.203 hộ dân.
Về tiến độ, Chính phủ dự kiến thời gian chuẩn bị dự án từ năm 2021 đến 2023; triển khai bồi thường, tái định cư từ năm 2022, cơ bản hoàn thành trong năm 2024; đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành từ năm 2022 đến 2026, đầu tư xây dựng phần đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km từ năm 2022 đến năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá, khó khăn lớn nhất của dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là giải phóng mặt bằng. Tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải tiến hành giải phóng mặt bằng dự trữ cho hành lang phát triển đường sắt 30m trong tổng lộ giới dao động từ 90m đến 135m. Kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều dự án giao thông trọng điểm cho thấy, việc giải phóng mặt bằng càng chậm thì càng khó khăn; lại không được phép chia thành nhiều lần vì cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư qua các thời kỳ sẽ khác nhau. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Hà Nội và các địa phương liên quan đã xác định chỉ giới đường đỏ, hoạch định lộ giới từng vị trí, đoạn tuyến. Từ đó sẽ tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng ngay khi có chủ trương đầu tư.
Đồng quan điểm vấn đề giải phóng mặt bằng là then chốt, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức nhấn mạnh: “Nếu chúng ta giải quyết được mặt bằng thì tiến độ thi công sẽ bảo đảm”. Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc xây dựng các khu tái định cư để di dời các hộ dân cần được đặc biệt quan tâm và phải làm rất nhanh, giúp người dân ổn định cuộc sống. Nếu làm chậm sẽ rất bất cập.
Giải “bài toán” nguồn vốn đầu tư
Cùng với mặt bằng thì nguồn vốn đầu tư lớn cũng được đánh giá là khó khăn trong việc cân đối các nguồn lực. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan đã xây dựng phương án phù hợp để giải “bài toán” này. Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP (đối tác công - tư) với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Siêu dự án vành đai liên vùng này được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng. Nhóm dự án 2 là đường đô thị song hành dưới thấp. Nhóm dự án 3 là dự án xã hội hóa theo hình thức PPP và hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do nhà đầu tư đảm nhận. Vốn đầu tư nhóm 1 và 2 từ ngân sách trung ương và địa phương. Nhóm 3 do nhà đầu tư đảm nhận với tổng mức kinh phí 29.410 tỷ đồng.
“Đây là mô hình linh hoạt, có khả năng tương hỗ giữa ngân sách trung ương và xã hội hóa. Theo chủ trương của Đảng và các cơ chế, chính sách của Chính phủ, chúng ta xác định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tạo động lực thúc đẩy PPP. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo phương thức PPP có điều khoản chia sẻ rủi ro tăng giảm doanh thu để nhà đầu tư yên tâm. Thêm nữa, theo tính toán của các bộ, ngành, dự án có khả năng thu hồi vốn trong 21 năm. Chúng ta cũng đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết.
Để bảo đảm nguồn vốn đáp ứng tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ngày 20-5 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô từ ngân sách thành phố là khoảng 23.524 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng.
Trước đó, HĐND tỉnh Bắc Ninh cũng đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh với tổng kinh phí 5.210 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022-2027...
(Còn nữa)
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; trong đó chú trọng phân bổ, ưu tiên hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công - tư (PPP), gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Thủ đô...”.