Lương hưu - điểm tựa cho tuổi già
Đời sống - Ngày đăng : 07:31, 30/05/2022
Cách tốt nhất để có lương hưu là tham gia bảo hiểm xã hội khi còn trẻ. Mức hưởng lương tỷ lệ thuận với mức đóng và thời gian tham gia, nghĩa là người lao động đóng bảo hiểm xã hội cao trong thời gian dài thì hưởng lương hưu cao và ngược lại. Tiếc rằng, vì nhiều lý do, không phải ai cũng có thể tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi hết tuổi lao động để nhận lương hưu. Chị Nguyễn Thị Hà, Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) trăn trở: “Khoản tiền lương chúng tôi nhận được hằng tháng vừa đủ chi tiêu, hầu như không có tích lũy. Nếu bị thất nghiệp, chúng tôi không biết lấy khoản tiền nào để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội”.
Với những trường hợp làm công việc tự do, dù muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu, nhưng có người gặp khó khăn về thu nhập, có người đã quá tuổi. “Tôi biết đến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đã 56 tuổi. Nếu biết sớm hơn, tôi chắc chắn sẽ tham gia”, bà Nguyễn Thị Hồng, tổ dân phố 5, phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) bày tỏ. Lý do khác khiến một số người chưa tham gia bảo hiểm xã hội là vì thời gian đóng tối thiểu là 20 năm, nên họ lo lắng không đủ khả năng tài chính để đồng hành với chính sách.
Trước nỗi băn khoăn của nhiều người, Phó Trưởng phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lý Hoàng Minh khẳng định, người tham gia bảo hiểm xã hội nói chung, người hưởng lương hưu nói riêng được thụ hưởng nhiều quyền lợi, nên người dân có thể yên tâm tham gia. Dẫn chứng là, lương hưu được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu, lần mới nhất từ 1-1-2022 với mức điều chỉnh tăng trung bình 7,4%. Một số trường hợp hưởng lương thấp tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm để tiền lương hưu đạt mức tối thiểu 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện các cơ quan bảo hiểm xã hội trong cả nước đang chi trả lương hưu hằng tháng cho gần 2,7 triệu người với số tiền gần 14.475 tỷ đồng. Mức hưởng lương hưu bình quân là 5,4 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức hưởng lương hưu hiện cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân (thu nhập bình quân của mỗi người dân năm 2021 là 4,2 triệu đồng/tháng). Ngoài khoản tiền lương, người nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được chăm sóc sức khỏe trọn đời.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, qua đó giúp họ nhận được khoản tiền lương hưu phù hợp khi về già, ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với các ngành chức năng tập trung phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. “Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương bằng mức thấp nhất để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Mức đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn so với mức thu nhập dẫn đến người lao động nhận mức lương thấp khi nghỉ hưu. Vì thế, tình trạng này cần sớm được khắc phục, chấn chỉnh”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay.
Dưới góc độ chính sách, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, tạo điều kiện cho người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn vẫn được tiếp cận, thụ hưởng chính sách. Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, các bên thống nhất đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, qua đó thu hút người lao động tham gia… Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là đông đảo người dân có lương hưu, có điểm tựa an sinh xã hội khi về già.