Xây dựng nông thôn mới tại Sóc Sơn theo hướng nông nghiệp sinh thái, áp dụng công nghệ cao
Chính trị - Ngày đăng : 14:42, 31/05/2022
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Ứng dụng công nghệ để giảm sức ép thời vụ và chi phí sản xuất
Báo cáo của Huyện ủy Sóc Sơn cho thấy, triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình 02 của Huyện ủy giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy Sóc Sơn đã ban hành 3 chương trình công tác để triển khai thực hiện. Kết quả, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Về xây dựng xã nông thôn mới, đến nay, huyện đã có 13/25 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đối với 2 xã Phù Lỗ và Đức Hòa được thành phố giao nhiệm vụ hoàn thành nông thôn mới nâng cao, số chỉ tiêu đạt theo quy định là 56 chỉ tiêu, tương đương 74,67%.
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kinh tế huyện 5 tháng đầu năm 2022 có dấu hiệu phục hồi tích cực khi tổng giá trị sản xuất ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất lúa đạt gần 98,6% tổng diện tích. Các tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng vào sản xuất như gieo mạ khay - cấy máy, gieo sạ được triển khai đồng bộ, góp phần giảm sức ép về thời vụ, lao động trong nông nghiệp, giảm chi phí đầu tư cho sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân…
Lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng tiếp tục phát triển. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản là 450,6ha (tăng 1,3%), sản lượng đạt 902 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trên địa bàn huyện cũng có 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật là chuỗi liên kết sản xuất nấm công nghệ cao KMS (quy mô 0,8ha), chuỗi liên kết sản xuất rau hữu cơ (quy mô 37,5ha), chuỗi liên kết sản xuất dược liệu định hướng hữu cơ (quy mô 30ha).
Huyện cũng có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ; chăn nuôi lợn sinh học; trồng nấm công nghệ cao… Đến hết năm 2021, huyện đã có 76 sản phẩm được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 10 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao.
Về phát triển kinh tế nông thôn, hiện Sóc Sơn có 10 hợp tác xã toàn xã; 43 hợp tác xã thôn, liên thôn và 53 hợp tác xã chuyên ngành. Các hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ dịch vụ công ích thủy lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo nền tảng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…
Qua triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, đời sống nông dân huyện đã từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 52,4 triệu đồng/người/năm (toàn huyện đạt 53,7 triệu đồng/người/năm). Cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch là 77%...
Phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng nông thôn mới nâng cao
Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại huyện Sóc Sơn thời gian vừa qua. Đặc biệt, huyện đã xây dựng được mô hình nhà văn hóa xã quy mô lớn, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân, mô hình xử lý rác thải an toàn, thân thiện với môi trường, mô hình trồng rau thủy canh.
Nhấn mạnh Sóc Sơn là địa bàn có tài nguyên rừng, có sân bay quốc tế Nội Bài, di sản văn hóa cấp quốc gia, các khu công nghiệp phát triển…, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, đây là những tiềm năng, thế mạnh để Sóc Sơn có thể phát huy nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới phát triển đô thị.
Ghi nhận kết quả xây dựng nông thôn mới mà huyện đã đạt được với việc xây dựng thành công các xã nông thôn mới nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cải thiện, song đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ rõ một số hạn chế liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai…
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện tiếp tục rà soát các tiêu chí theo quy định về xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; phấn đấu 3 xã sẽ về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2022; từ đó hướng tới mục tiêu phấn đấu có ít nhất 1/3 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) trong tương lai, hỗ trợ tích cực để Thủ đô ngày càng phát triển.
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cũng đề nghị huyện tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển nông nghiệp sinh thái và các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa Sóc Sơn sớm về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao. Liên quan đến các dự án chậm triển khai, huyện cần rà soát lại, từ đó phân công rõ người, rõ trách nhiệm để giải quyết theo đúng luật định.
Với những kiến nghị của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các sở, ngành tiếp tục phối hợp, hỗ trợ để huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
* Trước khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã thăm, kiểm tra tại Nhà văn hóa đa năng xã Phú Cường; thăm Hợp tác xã Rau hữu cơ Phú Cường, huyện Sóc Sơn.