Chuyện cũ... ngày càng “nóng”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 01/06/2022

(HNM) - Đó là tình trạng nhiều đường phố ở Hà Nội đã biến thành “sông” mỗi khi mưa lớn.

Cơn mưa lớn chiều 29-5 đã khiến nhiều tuyến đường, phố Hà Nội chìm trong nước. Tuy là ngày cuối tuần nhưng hệ lụy của nó là ùn tắc giao thông, hàng loạt phương tiện không thể di chuyển. Nhiều khu dân cư nước mưa tràn vào nhà gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Lý giải nguyên nhân, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay, trận mưa chiều 29-5 có cường độ 180mm/2 giờ, vượt xa thiết kế của hệ thống thoát nước Hà Nội, vốn đáp ứng mưa có cường độ 310mm/2 ngày.

Hệ thống thoát nước yếu và thiếu là câu chuyện cũ của Hà Nội. Cách đây khoảng 20 năm, thành phố Hà Nội triển khai dự án đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước, với số vốn hàng trăm triệu USD. Sau đó, một số dự án thoát nước khác cũng được triển khai, nhưng có lẽ đây vẫn là dự án thoát nước lớn nhất được hoàn thành từ trước đến nay. Nó giúp cho lưu vực thoát nước sông Tô Lịch được coi là hoàn chỉnh nhất trong số 5 lưu vực thoát nước là: Tô Lịch, tả Nhuệ, hữu Nhuệ, Hà Đông và Long Biên.

Lưu vực thoát nước sông Tô Lịch chỉ gồm khu vực nội đô cũ. Trong khi đó, các lưu vực còn lại chủ yếu là khu vực đô thị hóa, thoát nước “tiêu tự chảy”, phụ thuộc hệ thống hồ, ao, kênh, mương chứa và dẫn nước. Thậm chí, có khu đô thị mới được đầu tư hệ thống thoát nước nhưng… không biết đấu nối vào đâu để dẫn nước tiêu thoát. Vì thế, mức độ ngập thường nặng hơn.

Thành phố Hà Nội vẫn thống kê số điểm ngập, nhưng có lẽ với những trận mưa lớn như chiều 29-5 thì khó mà thống kê đủ.

Vậy cách nào giải bài toán chống ngập mùa mưa? Câu trả lời là phải đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Thứ nhất, quy hoạch thoát nước Hà Nội đã có nhưng có lẽ cần phải rà soát lại bởi nhiều nguyên do, mà trước hết là xem liệu nó đã đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của thành phố. Chung cư dày đặc trong vùng lõi đô thị có ảnh hưởng nhất định đến tình trạng ùn tắc, ngập úng, song vấn đề cốt lõi là hạ tầng thoát nước có tính đủ yếu tố mật độ dân số, lượng nước thải sinh hoạt hay lượng nước mưa khi khí hậu ngày càng cực đoan?

Thứ hai, những dự án đầu tư phát triển đô thị buộc phải thiết kế đồng bộ hệ thống thoát nước (gồm cả hồ điều hòa, trạm xử lý nước thải, kênh mương dẫn…), phù hợp với quy hoạch chung. Hệ thống này phải hoàn thành trước, như điều kiện bắt buộc để triển khai các hạng mục khác.  

Thứ ba, cần thu xếp nguồn vốn để tăng cường đầu tư cho hệ thống thoát nước theo quy hoạch. Đây là việc khó, không thể một sớm một chiều, nên việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, trước hết là giải quyết những điểm ngập tồn tại lâu năm. Đồng thời, có cơ chế thu hút đầu tư xã hội hóa cho hạ tầng thoát nước nhằm giải quyết nguồn lực cho lĩnh vực này.

Thứ tư, có thể xem xét triển khai ngay một số giải pháp chống úng ngập, như xây dựng hầm chứa nước, cải tạo hồ điều hòa, đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang triển khai để tăng năng lực tiêu thoát nước khi có mưa lớn. Đi đôi với đó cần phát triển hệ thống cây xanh, giảm bê tông hóa để tăng năng lực thẩm thấu nước của mặt đất; triệt để xử lý các trường hợp lấn chiếm mương, sông thoát nước làm hẹp dòng chảy.

Thứ năm, cần tăng cường năng lực cảnh báo thiên tai và năng lực vận hành hệ thống thoát nước, cảnh báo, điều tiết phương tiện khi có mưa lớn gây úng ngập nhằm hạn chế ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, ngập do mưa lớn vẫn là chuyện cũ... ngày càng “nóng” .

Gia Khánh