Tái hiện Tết Đoan Ngọ tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa - Ngày đăng : 15:41, 01/06/2022
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng Năm âm lịch, dân gian gọi là ngày giết sâu bọ), tại cung đình thời Lê, triều đình thường long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và là dịp vua ban yến, ban quạt cho quan quân trong triều. Trong đó, lễ ban quạt là nghi lễ quan trọng bậc nhất của Tết Đoan Ngọ.
Để chuẩn bị cho nghi lễ này, từ trước Tết Đoan Ngọ, triều đình giao trọng trách làm quạt vua ban cho làng Đào Xá (nay là làng Đào Quạt, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Quạt sau khi làm xong được đệ tiến vào Văn Miếu, Vũ Miếu để đức vua ban cho quần thần, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà vua đối với sức khỏe của quần thần trong tiết trời oi bức cũng như mang ý nghĩa sâu sắc là ban “phúc lành, sức khỏe, bình an”.
Ngoài những nét đặc sắc về nghi lễ cung đình, trong dân gian, ngày Tết Đoan Ngọ còn có những phong tục hết sức độc đáo, như tục “giết sâu bọ”, hái lá làm thuốc nam, đeo bùa ngũ sắc..., mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe, mong muốn cuộc sống sung túc theo quan niệm cổ xưa. Vào ngày nay, dân chúng có truyền thống ăn các loại trái cây đầu mùa; hái lá thuốc vào 12h trưa hay đeo bùa ngũ sắc như một vật trang sức, cầu may mắn, bình an.
Ở Hà Nội từng có một con phố nhỏ chuyên làm những chiếc bùa ngũ sắc vào dịp Tết Đoan Ngọ - đó là phố Hàng Mụn (do người dân thường mua vải vụn để làm mũ, yếm… cho trẻ em). Sau Cách mạng Tháng Tám phố Hàng Mụn đổi thành phố Hàng Bút. Tên phố Hàng Mụn xưa gắn liền với một phong tục độc đáo ngày Tết Đoan Ngọ đã đi vào ký ức của người dân Hà Nội một thời.
Tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, chương trình “Tết Đoan Ngọ xưa và nay” năm 2022 nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình của khu di sản Hoàng thành Thăng Long, đồng thời mang đến cho du khách sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Chương trình bao gồm: Không gian trưng bày và thể nghiệm nghi lễ ban quạt trong hoàng cung; tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ, như tục “giết sâu bọ”, tục đeo bùa ngũ sắc...; tái hiện không gian cửa hàng đầy màu sắc trên phố Hàng Mụn xưa; tái hiện nghi lễ ban quạt trong cung đình Thăng Long...
Cũng tại sự kiện, du khách còn được chiêm ngưỡng chiếc quạt mang tính chất cung đình có kích thước 2,4m đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503 và một số quạt dành cho vua, hoàng hậu và quan được phỏng dựng dựa trên các nguồn tư liệu.
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tiếp nhận 4 cây ngô đồng từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, để trồng tại khuôn viên khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Đây là loại cây quý, gắn với mảnh đất cố đô Huế, mang ý nghĩa đón phượng hoàng bay về, tức là đón niềm vui, hạnh phúc, mong ước nhà nhà an vui, thái bình.