Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực thu hút nhân tài
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 01/06/2022
Kết quả chưa như kỳ vọng
Năm 2018, HĐND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND về mức thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022, trong đó quy định nhiều cơ chế ưu đãi như: Áp dụng mức trợ cấp ban đầu tối đa 100 triệu đồng đối với các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt gặp khó khăn về nhà ở thì được xem xét bố trí nhà ở công vụ; hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu… Tiếp đó, năm 2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch thu hút chuyên gia cho 14 vị trí thuộc các cơ quan, đơn vị gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư (1 vị trí); Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao (3 vị trí); Ban Quản lý khu công nghệ cao (5 vị trí); Viện Khoa học và Công nghệ tính toán thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (5 vị trí). Năm 2021, thành phố đặt mục tiêu thu hút thêm 6 vị trí người có tài năng đặc biệt lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Tuy nhiên, do nhiều lý do và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tính đến tháng 5-2022, thành phố mới chỉ thu hút được 5 vị trí là chuyên gia làm việc tại Ban Quản lý khu công nghệ cao (SHTP). Trong số này, mới chỉ có 1 người đến làm việc là Tiến sĩ Hoàng Thế Bân, người đã có 23 năm làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao.
Theo Tiến sĩ Hoàng Thế Bân, nhiều nước đã thành công với chính sách thu hút người có năng lực đặc biệt như Trung Quốc, Hàn Quốc… Tuy nhiên, chương trình của thành phố Hồ Chí Minh có một số điểm chưa hợp lý. Đơn cử, chuyên gia, nhà khoa học, người có năng lực đặc biệt là khác nhau. Việc đưa 3 đối tượng này vào trong một quyết định với cùng một khung đãi ngộ là chưa sát thực tế, nên chưa tạo sự hấp dẫn. Mặt khác, với việc áp dụng hệ số lương thì chuyên gia có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư chỉ nhận lương hằng tháng 14 triệu đồng, các trường hợp còn lại nhận 13,1 triệu đồng. Mức lương này chỉ tương đương công nhân, kỹ sư ở doanh nghiệp tư nhân nên rất khó thu hút chuyên gia về làm việc.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh nhận định, người tài không thiếu nơi làm việc, họ có rất nhiều lựa chọn. Nếu chính sách của thành phố Hồ Chí Minh chưa phù hợp thực tiễn, cần thay đổi để thu hút được nhiều người tài.
Sớm có cơ chế phù hợp
Hơn 20 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương đi đầu cả nước trong đào tạo nhân lực chất lượng cao và thu hút người tài về làm việc bằng nhiều hình thức. Đơn cử, từ năm 2014, thành phố Hồ Chí Minh thí điểm chính sách thu hút các nhà khoa học vào làm việc tại 4 đơn vị. Hiện vẫn có 5 chuyên gia làm việc tích cực tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thuộc Ban Quản lý khu công nghệ cao. Điển hình như Giáo sư người Nhật Bản Susumu Sugiyama, một chuyên gia vi cơ điện tử hơn 70 tuổi. Ông không có yêu cầu đặc biệt về thu nhập mà chỉ cần trung tâm bố trí phòng làm việc riêng để mỗi tháng sang Việt Nam làm việc 1 tuần, huấn luyện cho nghiên cứu sinh người Việt Nam.
Song rất hiếm người như vị giáo sư người Nhật Bản này hay như Tiến sĩ Hoàng Thế Bân, người đã có sự nghiệp và gia đình tại Nhật Bản nhưng vẫn về Việt Nam làm việc. Tiến sĩ Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm R&D cho rằng, các chuyên gia, nhân tài cần quản lý và sử dụng theo cách để họ thấy trí tuệ bản thân được ghi nhận, hơn là quản lý hành chính như công chức.
Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Lâm Hùng Tấn, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của thành phố Hồ Chí Minh là cách làm mới và chưa có nhiều mô hình hay để tham khảo, học hỏi. Do đó, thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thiện chính sách theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Còn Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND thành phố Hồ Chí Minh) Cao Thanh Bình thông tin, đơn vị đang triển khai hoạt động giám sát một số đơn vị trên địa bàn về việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài giai đoạn 2018-2022. Qua đó, đơn vị sẽ đề xuất có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 20/2018/ NQ-HĐND để chính sách thu hút người tài của thành phố Hồ Chí Minh hiệu quả hơn.