Cần giải pháp kiểm soát giá xăng, dầu
Kinh tế - Ngày đăng : 16:56, 01/06/2022
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, thị trường xăng, dầu thế giới có nhiều biến động. Nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực châu Âu) chịu ảnh hưởng từ việc các nước châu Âu cấm vận đối với các sản phẩm xăng, dầu từ Nga. Trong khi đó, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19 tại Thượng Hải từ ngày 1-6 hỗ trợ cầu xăng, dầu tăng mạnh.
Các yếu tố này đã đẩy giá các mặt hàng xăng, dầu tăng cao so với kỳ điều hành trước. Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng, dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 1-6 và ngày 23-5 là 144,006 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,637 USD/thùng, tương đương 1,87% so với kỳ trước); 151,947 USD/thùng xăng RON95 (tăng 5,746 USD/thùng, tương đương tăng 3,93% so với kỳ trước); 144,686 USD/thùng dầu hỏa (tăng 6,836 USD/thùng, tương đương tăng 4,96% so với kỳ trước); 146,963 USD/thùng dầu diesel (tăng 6,170 USD/thùng, tương đương tăng 4,38% so với kỳ trước); 656,199 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 13,332 USD/tấn, tương đương tăng 2,07% so với kỳ trước).
Theo Bộ Công Thương, để hạn chế mức tăng CPI, liên bộ đã quyết định tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá nhằm để hạn chế mức tăng của giá xăng, dầu trong nước. Cụ thể là không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng, giảm trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu diesel xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập ở mức 300 đồng/lít), giảm trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu hỏa xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập là 300 đồng/lít) và giảm trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước trích lập ở mức 400 đồng/kg).
Thực hiện chi Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít), các mặt hàng dầu không chi. Thực tế, nếu liên bộ Công Thương - Tài chính không sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá thì xăng E5RON92 sẽ tăng 702 đồng/lít và giá bán sẽ là 30.335 đồng/lít, xăng RON95-III sẽ tăng 1.421 đồng/lít và giá bán sẽ là 32.078 đồng/lít...
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, giá xăng của Việt Nam hiện đang ở mức trung bình cao so với thế giới. Việc giá xăng, dầu vừa thiết lập mốc kỷ lục mới đang dấy lên mối lo ngại những hệ lụy kéo theo, như chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế và cần phải có giải pháp điều tiết.
Về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, Quỹ bình ổn giá đang âm do đó không thể trông chờ vào Quỹ này để kìm đà tăng giá xăng, dầu, mà chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá xăng, dầu.
Trong cơ cấu giá xăng, dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm: Thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn, như giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm.
Cùng đó là các giải pháp về tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối. Đó là những công cụ, dư địa để can thiệp nhằm hài hòa lợi ích các bên là Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, dư địa để điều hành giá xăng dầu vẫn còn, nhưng sẽ phải cân nhắc giữa việc giảm thu ngân sách, tác động lạm phát với kiểm soát đà tăng giá xăng. Có thể tính tới công cụ giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường...
Thực tế, Nhà nước đã quyết định giảm 50% thuế môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu để kiềm chế đà tăng giá xăng. Tuy nhiên, việc giảm thuế chỉ tác dụng trực tiếp đến 1 chu kỳ điều chỉnh giá mặt hàng này. Sau đó, cùng với đà tăng của thị trường thế giới, giá xăng, dầu đã có chuỗi tăng liên tiếp thời gian qua.
Giảm thuế, phí có thể tác động đến nguồn thu ngân sách. Song giá xăng, dầu tăng có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và cả nền kinh tế; đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc tính toán giảm thuế, phí để kiềm chế đà tăng giá của xăng, dầu là cần thiết.
Xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Do đó, kiểm soát đà tăng của giá xăng, dầu sẽ hữu ích cho nền kinh tế, trước hết là giúp cải thiện đời sống của người dân. Để “hạ nhiệt” đà tăng giá xăng, dầu theo đà tăng của thế giới, cơ quan chức năng cần tính toán đến công cụ giảm thuế và chấp nhận giảm nguồn thu ngân sách để kiềm chế lạm phát.