Phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 17:46, 01/06/2022
Đề xuất cơ chế đặc thù trong giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) đề xuất biện pháp tăng thu từ thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng kiểm soát giá nộp thuế đất sát với giá giao dịch; tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước, đồng thời, Chính phủ cần đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét giảm một số loại thuế xăng dầu nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, tránh tình trạng “đẩy giá” từ xăng dầu sang các mặt hàng khác.
Nhận định giải ngân vốn đầu tư công chậm vẫn là vấn đề nan giải hằng năm, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất một số quy định về cơ chế đặc thù để giải quyết vấn đề này. Trong đó, đại biểu đề nghị tách hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng các dự án nhóm A, B khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
“Mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế chỉ định thầu cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư mua sắm công trên nguyên tắc chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật không thấp hơn, chi phí không cao hơn so với các hạng mục công trình hoặc các vật tư thiết bị đã được lựa chọn thông qua đấu thầu ở các giai đoạn trước đó, đồng thời, công khai, minh bạch tất cả thông tin về gói thầu, về nhà cung cấp để có thể giám sát”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị áp dụng giá bồi thường thỏa đáng theo giá bình quân của thị trường, không phụ thuộc vào khung giá, bảng giá của Nhà nước; bảo đảm các điều kiện cư trú cho người dân phải di dời không kém hơn nơi ở cũ, đồng thời, áp dụng các biện pháp xử lý nếu cố tình chây ỳ và có chính sách thuế để điều tiết phần giá trị tăng lên do di dời chậm. Đại biểu cũng đề nghị cho phép lựa chọn áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp nhất trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư; trao quyền cho chủ đầu tư điều chỉnh các nội dung mang tính chất kỹ thuật trong quá trình triển khai các dự án trên một số nguyên tắc nhất định.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, cần có biện pháp cụ thể điều chỉnh giá vật tư, vật liệu… để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, bởi giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá vật tư, vật liệu tăng đột biến dẫn đến tình trạng nhiều dự án, công trình sẽ bị giãn tiến độ hoặc ngừng thi công. Theo đại biểu cần có giải pháp kiềm chế tăng giá xăng, dầu ở mức thấp nhất có thể nhằm hạn chế tác động xấu đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên thị trường bất động sản vào thị trường chứng khoán.
Quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) nhận định, thực tế không thể phủ nhận là quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm so với tiến độ, thậm chí có những mục tiêu khó hoàn thành trong thời gian thực hiện Nghị quyết. “Một câu hỏi đặt ra là chúng ta có lý do để chậm hay không?”, đại biểu đặt vấn đề và cho rằng không có lý do gì để chậm trễ, bởi về khách quan có một số điều kiện thuận lợi: Dịch Covid-19 được khống chế và đẩy lùi; nguồn lực thực hiện theo Nghị quyết là sẵn sàng; quy trình thủ tục được đơn giản hóa tối đa; thực hiện phân cấp, phân quyền tối đa đến từng bộ, ngành, địa phương với những tiền lệ chưa từng được áp dụng…
Cho rằng, lãng phí cơ hội, thời gian đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn lực, ngân sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể để làm rõ việc thực hiện Nghị quyết đang chậm ở đâu, vướng ở đâu; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc không bảo đảm tiến độ. Đây cũng là nội dung được đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đề xuất Chính phủ đánh giá, xem xét kỹ để có giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm phân bổ vốn đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để các địa phương triển khai thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra. Đồng thời nhấn mạnh, cần phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng quan tâm đến các giải pháp để khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, quy hoạch vùng, phát triển kinh tế vùng trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia… Đồng thời, các đại biểu đề nghị cần xem xét, bổ sung đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu mới phát sinh từ sau thời hiệu của Nghị quyết…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa
Phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện Bộ đang chỉ đạo chuẩn bị ban hành thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về sách giáo khoa để điều tiết việc này một cách cụ thể hơn và có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Bộ đã nhiều lần chỉ đạo Nhà Xuất bản Giáo dục thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, đẩy mạnh tái cơ cấu nhà xuất bản theo hướng tinh gọn nhân sự, bộ máy để tiết giảm tối đa khâu trung gian để bảo đảm giá sách giáo khoa được thấp nhất.
Bộ đã chỉ đạo nhà xuất bản thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng và đã chỉ đạo Nhà Xuất bản Giáo dục cung cấp các bản sách dưới dạng PDF miễn phí để học sinh tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.
“Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ mà Bộ đã và đang kiến nghị là đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Hà Nội đã quan tâm chăm lo các di tích, di sản
Làm rõ một số nội dung về phát triển du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, khi chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh thì Việt Nam đã thực sự là điểm đến an toàn. Bên cạnh đó, việc tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 không chỉ là sự kiện thể thao mà còn là dịp quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành Du lịch đang tập trung đề xuất với Chính phủ để tháo gỡ vấn đề về visa du lịch; làm mới sản phẩm du lịch, hướng về du lịch xanh và các lĩnh vực thế mạnh về du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng; rà soát nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung quảng bá, nâng cấp điểm đến, số hóa trong ngành Du lịch…
Về vấn đề quản lý di sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu về văn hóa giai đoạn 2015-2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đã phân bổ 245 tỷ đồng được Quốc hội giao cho 400 di tích tại tất cả các địa phương, bình quân 1 di tích được đầu tư từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Với con số nêu trên, Bộ trưởng cho rằng, sẽ rất khó khăn cho công tác tu bổ di tích, di sản.
Cho biết Bộ đang nghiên cứu chương trình chấn hưng, phát triển văn hóa, trong đó có nâng cấp di tích, di sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, cần phân cấp trách nhiệm rõ hơn cho địa phương trong quản lý, bảo tồn di tích. “Hà Nội cũng đã chăm lo cho các di tích, di sản. Nhiệm kỳ này, Thủ đô đã quyết định dành 19 nghìn tỷ đồng để nâng cấp các di tích trên địa bàn. Từ đó, chắc chắn sẽ giải quyết được những vấn đề khó khăn trong nâng cấp, cải tạo, tu bổ di tích”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Kết thúc ngày làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 21 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận trong phiên thảo luận buổi chiều, các ý kiến đại biểu thể hiện sự trách nhiệm, sâu sắc, tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, ngày mai, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về các nội dung nêu trên.