Địa chỉ hữu ích của giới khoa học và công nghệ

Công nghệ - Ngày đăng : 07:10, 02/06/2022

(HNM) - Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ quan đầu mối phát triển nguồn tài liệu khoa học và công nghệ cho cả nước. Đến nay, Cục đã xây dựng được kho tri thức phong phú và đa dạng (bao gồm cả tài liệu in và tài liệu điện tử) cũng như đưa vào sử dụng những dịch vụ tiện ích thuận lợi hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thư viện khoa học và công nghệ quốc gia (26 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm) - địa chỉ cung cấp tài liệu khoa học và công nghệ lớn nhất của Việt Nam.

Kho tri thức phong phú, đa dạng

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, khoa học và công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Để nền khoa học và công nghệ của Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, các nhà khoa học có môi trường thuận lợi phát huy năng lực sáng tạo của mình, việc xây dựng nền tảng tiềm lực khoa học hiện đại phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, trong đó có nền tảng thông tin, tri thức khoa học và công nghệ là vô cùng quan trọng, cần thiết.

Đến nay, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã xây dựng, phát triển Thư viện khoa học và công nghệ quốc gia trở thành địa chỉ cung cấp tài liệu khoa học và công nghệ lớn nhất của cả nước. Với hơn 400.000 đầu sách, 7.700 tên tạp chí, 40 triệu tài liệu điện tử thuộc mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ, hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến cung cấp truy cập đến hàng chục triệu bài báo khoa học trong nước, quốc tế, Thư viện khoa học và công nghệ quốc gia đã bảo đảm được ngưỡng an toàn thông tin cho hoạt động nghiên cứu, phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà khoa học được tiếp cận, khai thác các thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất trong nước và quốc tế.

Việc được tiếp cận, sử dụng các nguồn tin khoa học và công nghệ quốc tế có giá trị đã góp phần giúp các nhà khoa học Việt Nam nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu, từ đó nâng cao năng suất nghiên cứu, tăng cường mức độ ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu đối với quốc tế.

Bên cạnh việc quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ, Cục cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng khai thác nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, để có được nền tảng thông tin phong phú, ổn định hiện nay, Bộ đánh giá cao nỗ lực của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia trong việc xây dựng kế hoạch, trực tiếp triển khai công tác phát triển thông tin khoa học và công nghệ cho cả nước và Đề án “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu và phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Hướng tới thư viện số thông minh

Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia Đào Mạnh Thắng cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung, chuyển đổi số nói riêng đã được Thư viện khoa học và công nghệ quốc gia triển khai từ nhiều năm nay. Những năm đầu thập niên 1990, Thư viện đã xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu về đề tài khoa học và công nghệ, bài báo khoa học trong nước, quốc tế..., nhằm cung cấp các thông tin khoa học cập nhật tới cộng đồng nghiên cứu của Việt Nam. Đến nay, Thư viện đã bước đầu hình thành hạ tầng mạng để triển khai các dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ, với hệ thống máy chủ hiện đại, kết nối tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tin - thư viện trong cả nước.

Các nguồn tin khoa học được Thư viện bổ sung phục vụ các nhà nghiên cứu cũng chuyển dần từ mua sách, tạp chí in trên giấy hoặc đĩa CD sang mua quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu khoa học của nước ngoài. Hiện tại, hơn 95% các nguồn tin được Thư viện mua dưới dạng cơ sở dữ liệu trực tuyến và Thư viện đã mua quyền truy cập tới các cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, như: ScienceDirect, IEEE, Springer Nature, ProQuest Central, SAGE..., đồng thời xây dựng các cơ sở dữ liệu công bố khoa học và công nghệ Việt Nam, cơ sở dữ liệu nhiệm vụ khoa học và công nghệ Việt Nam. Đây là bức tranh toàn cảnh về hiện trạng khoa học và công nghệ trong nước, quốc tế; bộ sưu tập toàn văn bao trùm các tài liệu khoa học nòng cốt với nhiều tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao, nguồn thông tin thiết yếu đối với công tác nghiên cứu và đào tạo.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác, mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã đưa dịch vụ “Bạn đọc đặc biệt” vào phục vụ ở quy mô toàn quốc. Với tài khoản “Bạn đọc đặc biệt” (thông qua Cổng dịch vụ db.vista.gov.vn), bạn đọc có thể truy cập từ xa tới hơn 318.000 công bố khoa học và công nghệ trong nước; 44.000 báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp, 40 triệu tài liệu trên các cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ quốc tế. Như vậy, bạn đọc có thể khai thác, tận dụng tối đa kho tàng tri thức đồ sộ này để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và sản xuất, kinh doanh, mang lại những giá trị to lớn, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Thời gian tới, hoạt động chuyển đổi số của Thư viện sẽ được triển khai mạnh mẽ, nhằm mục tiêu chuyển đổi, phát triển Thư viện trở thành thư viện số thông minh có hạ tầng số, dữ liệu số, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút đông đảo độc giả quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Đào Mạnh Thắng thông tin thêm.

Thu Hằng