Đối thoại về chế độ, chính sách với người lao động ngành Nông nghiệp

Đời sống - Ngày đăng : 12:16, 02/06/2022

(HNMO) - Sáng 2-6, tại huyện Phúc Thọ, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động và chăm sóc sức khỏe sau Covid-19”.

Khách mời giải đáp các câu hỏi của người lao động.

Tham gia giải đáp câu hỏi có ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội); bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội); bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm ôxy cao áp Việt Nga.

Các phản ánh cho thấy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp gánh chịu không ít tác động của đại dịch Covid-19. Công đoàn ngành đã triển khai nhiều hoạt động nhằm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo dõi của các công đoàn cơ sở, sau khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, đời sống của nhiều người lao động nói chung bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng mất việc, thiếu việc đang là vấn đề trăn trở; tiền lương, thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Thêm vào đó là sau dịch Covid-19, sức khỏe của người lao động cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, trong khi họ phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, giá hàng hóa thị trường tăng cao nên đời sống khó khăn…

Tại buổi đối thoại, việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, xử lý hậu Covid-19 được người lao động ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm.

Trước phản ánh hiện tượng cùng một đơn vị có rất nhiều công nhân bị mắc Covid-19 điều trị ở địa phương nhưng đến nay có trường hợp đã được bảo hiểm xã hội thanh toán, có người lại chưa được thanh toán, bà Dương Thị Minh Châu khẳng định là có thực trạng này.

Nguyên nhân do bệnh Covid-19 là căn bệnh chưa từng có trong tiền lệ. Đối với các bệnh khác khi người lao động đến các cơ quan khám bệnh sẽ được cấp giấy. Đối với người mắc Covid-19 thì lại không phải đến cơ sở y tế mà tự điều trị tại nhà.

UBND thành phố Hà Nội đã có quy định về cấp giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội khi xét nghiệm tại nhà. Tuy nhiên, trước khi có hướng dẫn, nhiều trường hợp không có giấy chứng nhận khi mắc Covid-19, ngày bắt đầu bị bệnh và ngày cấp giấy chứng nhận không giống nhau dẫn đến vướng mắc về thủ tục bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề này, Bộ Y tế đã có công văn, tờ trình Chính phủ đề nghị bổ sung các loại giấy tờ đặc biệt thay thế giấy chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội nhưng đến giờ chưa có hướng dẫn nên cần tiếp tục chờ đợi. Trong lúc này, người lao động nên giữ quyết định hết cách ly của UBND xã, phường, thị trấn để khi có thông tư mới sẽ được triển khai nhanh chóng hơn, không mất công đi lại làm thủ tục.

Hà Phong