Petrovietnam thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:01, 02/06/2022

(HNM) - Xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững vẫn là xu thế tất yếu trên thế giới. Là một đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang chịu tác động mạnh của xu thế này. Đáp ứng nhu cầu đó, đến nay, Tập đoàn đang chủ động xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch hành động sẵn sàng cho cuộc đại chuyển dịch năng lượng theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Giàn khoan mỏ Tê Giác Trắng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Theo báo cáo của Ban Chiến lược Petrovietnam, kịch bản NZE (Netzero) cho thấy, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 29% hiện nay lên 88% vào năm 2050; tiêu thụ khí giảm 1.750 tỷ mét khối (11%) và tiêu thụ dầu thô giảm còn 24 triệu thùng/ngày vào 2050 (8%). Lộ trình kịch bản NZE đến năm 2030 dựa vào các trụ cột chính: Tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và điện khí hóa. Sau năm 2030, năng lượng thế giới sẽ dựa vào năng lượng sinh học, hydro và nhiên liệu gốc hydro.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cập nhật đóng góp quốc gia tự quyết định năm 2020 - mục tiêu đến 2030 giảm phát thải ngành năng lượng là 5,5% và 16,7% (hỗ trợ quốc tế); đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26; dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng nâng tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo đạt 26% (2030) và 54% (2045); tỷ trọng nguồn điện khí giảm, cụ thể đạt 25% (2030) và 18% (2045).

Các cơ chế, chính sách, cam kết của Việt Nam về giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng xanh, sạch, phát triển bền vững ngày càng tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và các sản phẩm từ nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu, khí và than) sẽ giảm sau năm 2030.

Lĩnh vực điện nằm trong chuỗi giá trị dầu khí, là hộ tiêu thụ chính của công nghiệp khí. Tính đến nay, Petrovietnam có 8 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất lắp đặt đạt 5.405MW, chiếm khoảng 8% công suất lắp đặt cả nước và sản lượng điện khoảng 20 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 10-12% sản lượng điện toàn quốc. Theo Ban Điện và năng lượng tái tạo Petrovietnam, để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Quy hoạch điện VIII đã lựa chọn phương án phát triển nguồn điện với định hướng hạn chế các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ đốt kèm hydrogen, nhưng vẫn bảo đảm tỷ trọng nguồn chạy nền cần thiết.

Theo đó, nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, công suất đặt toàn quốc hằng năm tăng 8-9%. Trong đó, năng lượng tái tạo tăng mạnh, tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo năm 2020 là 25%, 2030 là 32%, 2045 đạt 58%; điện gió ngoài khơi tăng nhanh, từ 7GW năm 2030 lên 64,5GW năm 2045, vượt công suất điện gió trên bờ. Các nguồn điện linh hoạt chạy khí hydrogen tăng nhanh sau giai đoạn 2035 nên nếu không có nguồn khí mới, công suất điện khí trong nước không thay đổi, chuyển dần sang sử dụng hydrogen khi sản lượng khí trong nước giảm.

Để đạt được mục tiêu 8-10% công suất hệ thống, đến năm 2030, Petrovietnam cần tham gia đầu tư ít nhất một dự án điện gió ngoài khơi với công suất khoảng 1GW (tổng 7GW đến 2030). Tương ứng, giai đoạn 2030-2045, Petrovietnam cần phải bổ sung thêm 13-22GW từ nguồn điện khí và năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió ngoài khơi). Việc tham gia đầu tư các dự án điện LNG cần cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán hiệu quả kinh tế, kỹ thuật trong điều kiện phải chuyển đổi nhiên liệu hydrogen theo lộ trình.

Thông tin thêm về kế hoạch của Petrovietnam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, Tập đoàn đã xây dựng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xu thế chuyển dịch năng lượng là tất yếu. Trong bối cảnh như vậy, Tập đoàn phải tập trung nhiều hơn vào năng lượng tái tạo. Định hướng chính vẫn là phát triển tập đoàn năng lượng, tập trung trong lĩnh vực năng lượng theo nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian tới, Petrovietnam và các đơn vị thành viên sẽ rà soát lại các sản phẩm hiện có, tăng cường thăm dò, gia tăng trữ lượng, bảo đảm sản lượng khai thác hằng năm; công nghiệp khí vẫn phải mở rộng thị trường, tham gia các chuỗi cung ứng khí trong nước và nhập khẩu nước ngoài cho các nhà máy điện; lĩnh vực chế biến dầu khí phải nâng cấp công nghệ để các sản phẩm xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn môi trường…

Trung Hiếu