Để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên

Chính trị - Ngày đăng : 17:52, 02/06/2022

(HNMO) - Chiều 2-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Tránh lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) đặt ra nhiều câu hỏi về sự lãng phí trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước đây. Theo đại biểu, để xảy ra tình trạng kit test Covid-19 không đạt chuẩn được lưu hành và sử dụng không chỉ cho tiêu dùng cá nhân, mà còn ở các trung tâm kiểm soát bệnh tật, sở y tế, gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch...

 Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) phát biểu.

Đối với một số bất cập, vi phạm trong đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, vụ việc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á không chỉ làm thất thoát, lãng phí tài sản công, mà còn làm lãng phí niềm tin của nhân dân. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan để vừa bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm chung.

Quan tâm công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, công tác quản lý tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế do nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao. Việc cập nhật, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa kịp thời, quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn nhiều bất cập, nhất là đối với những tài sản có giá trị do quy trình thanh lý mất nhiều thời gian, không kịp thời cho việc xử lý tài sản.

 Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) phát biểu.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng và đầu tư công, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) đề nghị làm rõ các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; chỉ rõ các cơ quan, đơn vị liên quan làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua. Đồng thời, đại biểu kiến nghị Chính phủ rà soát, làm rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, tập trung chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trong tham mưu hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức về đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Hòa Bình) nhất trí với kết quả đạt được đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Tuy nhiên, theo đại biểu, thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng tài chính, quản lý ngân sách nhà nước không nghiêm dẫn đến còn nhiều thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn này.

Quyết liệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đề nghị xem xét ngay trong kỳ họp này để ban hành nghị quyết quyết định một số nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp tỉnh. Nếu được vậy, đại biểu tin rằng sẽ không chỉ đem lại hiệu quả cao cho công tác hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà còn đảm bảo kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, phát huy tính chủ động, chịu trách nhiệm của các địa phương, khắc phục tình trạng chậm trễ trong đầu tư công.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) phát biểu.

Đóng góp ý kiến về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) đề cập về vấn đề chống lãng phí và câu chuyện về sách giáo khoa. Theo đại biểu, việc tuyên truyền cũng như có những giải pháp để tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sắm sách giáo khoa là một trong những giải pháp cần làm. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định những sách nào là sách giáo khoa bắt buộc phải mua, những sách nào là sách tham khảo và cần cho phụ huynh quyền được lựa chọn mua những sách bắt buộc mà không phải mua những sách khác vì hiện nay, phụ huynh chủ yếu mua sách giáo khoa cho con qua đăng kí ngay tại lớp.

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, những năm gần đây, giá đất tăng cao, nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất để chuyển sang đất ở, đất công nghiệp; khi tổ chức đấu giá thì giá trúng rất cao, nhưng người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở, người có nhu cầu ở thì không đủ tiền để đấu giá, dẫn đến đất sản xuất trở thành đất để hoang. Vì thế, đại biểu kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng này.

 Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn thành phố Hà Nội).

Để năm 2022 và các năm tiếp theo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả hơn, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, cần nhận diện lãng phí là kẻ thù, đánh giá toàn diện cả tình hình thực hành tiết kiệm và chống lãng phí theo mức độ, diễn biến, cơ cấu và tính chất. Theo đại biểu, công tác đánh giá cần đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực có khả năng gây nhiều lãng phí và những hậu quả nặng nề đến nguồn lực của đất nước.

Chung mối quan tâm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Đoàn Tây Ninh) đề nghị cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hằng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Trong đó, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp nhân dân tham gia giám sát hiệu quả.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Làm rõ nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua công tác theo dõi và giám sát tổng hợp và phân loại phân loại cho thấy có nhiều nhóm nguyên nhân như: Những nhóm nguyên nhân về pháp luật, nguyên nhân mang tính thời điểm, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan cũng có những đặc thù, đặc điểm riêng, tính chất riêng. Trong đó, đáng chú ý là tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư, việc lựa chọn dự án xây dựng danh mục và chuẩn bị đầu tư danh mục và chuẩn bị đầu tư còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận chiều 2-6.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong phiên thảo luận, đã có 24 lượt đại biểu phát biểu ý kiến. Không khí phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn trên cơ sở xây dựng và các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ cũng như Quốc hội. Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quyết toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp này.

Đình Hiệp