Bất cập trong kiểm soát thực phẩm tại chợ
Xã hội - Ngày đăng : 07:34, 03/06/2022
Theo bà Nguyễn Thị Trang, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Xanh (phường Văn Quán, quận Hà Đông), trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán khoảng 1 tạ thịt lợn lấy từ các lò giết mổ trên địa bàn thành phố; tuy nhiên, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cho số hàng hóa này chưa được thực hiện đầy đủ. Còn bà Trần Thị Vân Anh, tiểu thương tại chợ Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) cũng cho biết, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 1-2 tạ thịt gia súc, gia cầm, cung cấp cho các nhà hàng và bán lẻ tại chợ. Hiện, cửa hàng chỉ thực hiện lưu hóa đơn, phiếu giao hàng với mục đích theo dõi thu - chi...
Đánh giá về việc kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, tổng lượng thịt gia súc, gia cầm hằng ngày từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố đạt hơn 320 tấn/ngày; nguồn thịt nhập vào Hà Nội được kiểm dịch khoảng hơn 150 tấn/ngày; còn lại khoảng 60% lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn thành phố do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cung cấp ra thị trường chưa được kiểm soát. Về nguồn gốc thực phẩm tại các chợ, phần lớn do nông dân sản xuất hoặc nhập từ các tỉnh, thành phố khác song hầu hết không có chứng từ, không có sổ ghi chép chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Để kiểm soát chất lượng thực phẩm bán tại các chợ, theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Hoàng Văn Tuấn, Trạm phối hợp với Ban Quản lý chợ, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các chủ kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y. Cùng với đó, Trạm hướng dẫn, đôn đốc các hộ kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm về sửa chữa, cải tạo, nâng cấp quầy, sạp; sử dụng trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh, các ngành chức năng cần xây dựng phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại chợ; xây dựng sổ tay hướng dẫn theo dõi nguồn gốc thực phẩm cho tiểu thương và đơn vị quản lý chợ. Chính quyền địa phương yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết, khai báo nguồn gốc và test nhanh an toàn thực phẩm tại các chợ…
Về lĩnh vực này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, thành phố quy định lộ trình chỉ cho phép kinh doanh tiêu thụ sản phẩm thịt sau giết mổ của các cơ sở giết mổ đã được chính quyền cấp phép hoạt động. Theo đó, giai đoạn 2023-2025 áp dụng cho các quận nội thành, giai đoạn 2026-2030 áp dụng cho các huyện có quyết định lên quận, sau năm 2030 áp dụng toàn thành phố. Để làm được việc này, các địa phương cần quyết liệt đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào hoạt động tại cơ sở đủ điều kiện; đồng thời, đầu tư nâng cấp chợ truyền thống, nhất là đối với khu vực kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm soát nguồn gốc sản phẩm động vật kinh doanh tại các chợ, hộ kinh doanh, cơ sở chế biến và chỉ cho phép kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các cơ sở giết mổ đã được chính quyền cấp phép.