EU cấm vận 2/3 lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga: Nguy cơ gia tăng bất đồng
Thế giới - Ngày đăng : 07:12, 03/06/2022
Lệnh cấm vận dầu mỏ là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24-2. Trên thực tế, triển vọng tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế sau hàng thập kỷ phụ thuộc vào Nga từ lâu đã là một vấn đề khó khăn với châu Âu. Quá trình này thậm chí sẽ ngày càng gặp nhiều trở ngại khi giá tiêu dùng tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột.
Sở dĩ cấm vận dầu mỏ trở thành đề tài gây tranh cãi trong EU là do nhiều nước Đông Âu phụ thuộc quá lớn vào lượng “vàng đen” của Nga. Trong số này, Hungary là quốc gia có những phản ứng gay gắt nhất. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đánh giá tác động của các lệnh cấm vận dầu mỏ Nga giống như “dội bom nguyên tử xuống nền kinh tế Hungary”. Để gỡ bỏ lá phiếu phủ quyết của Hungary, Ủy ban châu Âu đã buộc phải sửa đổi lệnh cấm vận, qua đó cho phép các nước nhập dầu của Nga qua đường ống dẫn dầu mang tên Druzhba, chỉ cấm đường biển. Đây là một ngoại lệ, cho phép không chỉ Hungary mà các nước khác như Séc, Slovakia, thậm chí cả Đức, Ba Lan có thể tiếp tục nhập dầu của Nga qua đường ống Druzhba. Nhưng Hungary còn yêu cầu cao hơn nữa, muốn EU phải bảo đảm các phương án dự phòng khác để cung ứng dầu cho nước này trong trường hợp đường ống dẫn dầu Druzhba, có đoạn chạy qua đất Ukraine, bị cuộc chiến tại Ukraine phá hủy. Chính vì thế, thỏa thuận về việc cấm vận dầu mỏ nhập khẩu từ Nga đã không đạt được 100% đồng tình như kỳ vọng ban đầu.
Việc EU tạo ngoại lệ cho Hungary hay Séc, Slovakia sẽ đặt ra vấn đề về sự cạnh tranh công bằng trong nội bộ EU, bởi trong khi những nước này vẫn có thể tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga với giá rẻ thì các nước khác lại phải đi tìm nguồn cung mới với giá cao hơn nhiều. Hiện dầu thô Urals của Nga đang được giao dịch ở mức khoảng 93 USD/thùng, thấp hơn so mức giá khoảng 120 USD/thùng của dầu thô Brent, vốn được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới. Đây là một vấn đề không thể xem nhẹ, bởi 3/4 lượng dầu mỏ mà các nước EU nhập từ Nga được vận chuyển qua đường biển, chỉ có 1/4 là thông qua đường ống dẫn dầu nên nếu cấm nhập khẩu đường biển và tạo ngoại lệ cho nhập khẩu qua đường ống dẫn dầu thì tác động sẽ rất lớn.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh lạm phát tại các nước châu Âu đang tăng cao, chính phủ các nước EU chịu sức ép lớn về kinh tế nên nếu có một sự phân biệt đối xử, cạnh tranh không bình đẳng, sự đoàn kết của khối sẽ bị lung lay. Trong trường hợp này, Ủy ban châu Âu có lẽ sẽ buộc phải chuẩn bị thêm một biện pháp khác nhằm bù đắp cho các nước thành viên EU chấp nhận việc cắt ngay lập tức nguồn dầu mỏ từ Nga. Như thế, châu Âu sẽ lại có thêm một gánh nặng tài chính mới.
Theo Công ty nghiên cứu của Na Uy Rystad Energy, trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, mỗi ngày EU nhập khẩu từ 3 đến 3,7 triệu thùng dầu của Nga. Thay 75% số đó bằng dầu Brent với giá 120 USD/thùng đồng nghĩa với việc EU sẽ phải chi thêm ít nhất 2 tỷ USD mỗi tháng. Trong khi đó, Mátxcơva vẫn có thể chuyển lượng dầu bị EU cấm vận sang bán ở các thị trường châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ... Như vậy, mục đích tạo một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga sẽ không đạt được hiệu quả như EU mong muốn.