Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân

Đời sống - Ngày đăng : 12:40, 03/06/2022

(HNMO) - Sáng 3-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình.

Tạo cơ chế huy động nguồn lực xã hội tham gia thi hành án hình sự

Trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Nghị quyết tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; giúp đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Dự thảo Nghị quyết quy định trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam. Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải theo một số nguyên tắc, trong đó, phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động; thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp…

Dự thảo quy định không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam 11 nhóm phạm nhân, trong đó có phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên; tái phạm nguy hiểm; người nước ngoài; người dưới 18 tuổi; người đủ 60 tuổi trở lên; đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ, trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc… Dự thảo Nghị quyết quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, việc ban hành Nghị quyết này, ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội, còn tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp.

Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu thảo luận.

Cần quy định chặt chẽ các nguyên tắc thực hiện thí điểm

Phát biểu thảo luận, khẳng định cần thiết phải tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân, mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này. Đại biểu nhận định, nếu như không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.

“Cũng có những ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động, học tập, học nghề ngoài trại giam thì có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn. Tuy nhiên, không vì e ngại mà chúng ta bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận.

Để dự thảo Nghị quyết hoàn thiện hơn, về số lượng trại giam được áp dụng thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cho rằng không nên giới hạn số trại giam, mà cần căn cứ theo năng lực, khả năng quản lý của trại giam để thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định như dự thảo là phù hợp và đề nghị cần xác định ngay trong dự thảo danh sách các trại giam áp dụng thí điểm.

Phát biểu tranh luận về quy định kết quả lao động học nghề phạm nhân ngoài trại giam được sử dụng như đối với kết quả lao động học nghề của phạm nhân trong trại giam, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng cần thiết thống nhất việc chi trả công lao động cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam. Đại biểu đặt ra vấn đề việc trả công lao động ở mức độ một phần như dự thảo Nghị quyết đã hợp lý chưa và việc chi trả một phần này được hiểu như thế nào cũng cần phải làm rõ.

Phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về vấn đề cụ thể liên quan tới các ngành nghề, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, để phù hợp với trình độ của phạm nhân, ngành nghề được tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân được lựa chọn là các ngành nghề phổ thông có tính tương đồng với mặt bằng chung của xã hội, ưu tiên các ngành nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lao động, dạy nghề, thực hiện chế độ, chính sách cho những đối tượng này cũng phải có sự khác biệt so với các phạm nhân khác. Các trại giam phải tổ chức các hoạt động giáo dục, cải tạo riêng đặc thù.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận đã có 16 ý kiến thảo luận, 5 đại biểu tham gia tranh luận. Các ý kiến phát biểu tập trung, khách quan, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm nghiên cứu và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề trong dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội là cơ sở để các cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện Nghị quyết.

Tiến Thành