Thúc đẩy sản xuất an toàn, tạo nguồn thực phẩm sạch
Nông nghiệp - Ngày đăng : 09:50, 03/06/2022
Nhiều lợi ích từ sản xuất an toàn
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Tiến Cường, với 35ha trồng rau cần, để xây dựng thương hiệu “Rau cần Khai Thái”, xã đã hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Giá trị sản xuất tăng cao, đạt 700 - 900 triệu đồng/ha. Đến nay, sản phẩm rau cần Khai Thái đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và là sản phẩm 4 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết, hợp tác xã đã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín trên diện tích 1,15ha và liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn (100% sản phẩm được dán mã QR). Hiện tại, mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả.
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về sản xuất an toàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 200ha sản xuất rau an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao, từ 300 đến 440 triệu đồng/ha/năm.
Đánh giá về chương trình sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn thành phố thời gian qua, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ nhận định: Các vùng sản xuất an toàn không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân (hơn 15-20% so phương thức sản xuất truyền thống) và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững, Hà Nội đã tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất; hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích hơn 40.000ha, cùng với đó là 5.044ha rau an toàn, hơn 50ha rau hữu cơ; gần 700 ha chăn nuôi xa khu dân cư; 6.900ha nuôi trồng thủy sản tập trung và 50 vùng trồng hoa chất lượng cao.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh
Sản xuất nông nghiệp an toàn tập trung cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội có quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết; cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, thủy lợi…) phục vụ sản xuất chưa đồng bộ; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản thiếu chuyên nghiệp...
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn, Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám đề xuất, ngành Nông nghiệp sớm xây dựng, triển khai các sàn giao dịch chuyên về nông sản an toàn để kết nối giữa nhà sản xuất, hợp tác xã với người tiêu dùng; đồng thời, có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng để người tiêu dùng tin tưởng và thay đổi nhận thức trong việc sử dụng thực phẩm an toàn.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch thông tin: Thời gian tới, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật - nuôi, xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng địa phương để tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm; đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị nông sản, nông sản sạch nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch…, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Ở điểm nhìn khác, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, để kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các vùng sản xuất tập trung, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất trong việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên địa bàn đã giảm khoảng 15% so các năm trước, người nông dân đã sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh… bảo đảm an toàn thực phẩm.
Để cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm sạch, an toàn, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, Hà Nội sẽ đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp an toàn tập trung quy mô lớn theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Đối với cây ăn quả, sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây chủ lực (bưởi, chuối, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha. Hà Nội phát triển chăn nuôi tại các vùng trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá...
Chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới nền nông nghiệp xanh, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, thay thế bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc; đồng thời, định hướng cho nông dân sản xuất theo vùng tập trung, trên cơ sở lợi thế địa phương về thổ nhưỡng, khí hậu, sản phẩm đặc trưng.