Xây dựng, thực hành văn hóa giao thông
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:30, 04/06/2022
Đó là điều đã được dự báo và cho thấy nhịp sống kinh tế - xã hội đã thực sự quay trở lại bình thường sau một thời gian dài bị ảnh hưởng, thậm chí có lúc đình trệ do đại dịch Covid-19. Ùn tắc giao thông là một vấn đề xã hội phức tạp, không thể giải quyết triệt để trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, có thể khắc phục, hạn chế tối đa vấn nạn này nếu mỗi cá nhân nâng cao ý thức tham gia giao thông, tuân thủ nghiêm các quy định về giao thông, ứng xử có văn hóa với nhau, có trách nhiệm với cộng đồng.
Liên tiếp những hình ảnh về hành vi ứng xử không đẹp khi tham gia giao thông, nhất là khi ùn tắc giao thông, được đưa lên mạng xã hội, các trang điện tử để “tố” nhau là minh chứng rõ nét về hiện tượng ứng xử thiếu văn minh của một bộ phận người tham gia giao thông. Đó là tình trạng ô tô dàn hàng ba, hàng bốn, lấn hết phần đường dành cho xe máy, “đẩy" người điều khiển xe máy, xe đạp lên vỉa hè, thậm chí có người điều khiển cả ô tô đi trên vỉa hè. Cá biệt, có bác tài còn thản nhiên quay đầu ô tô trên cầu, đi ngược chiều khi xảy ra tắc đường, khiến tình trạng ùn tắc càng thêm trầm trọng. Đó còn là việc điều khiển ô tô trên làn dừng khẩn cấp, hay đi xe máy trên đường cao tốc, đường trên cao... Tất cả những hành vi đó đều tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân cũng như cộng đồng. Chắc hẳn nhiều người vẫn còn ám ảnh với hình ảnh ghê rợn về vụ việc dùng ô tô làm “hung khí” để tấn công, làm chết một người ở Phan Thiết (Bình Thuận) khi xảy ra va chạm trên đường. Chẳng có gì có thể biện minh cho hành vi ứng xử rất thiếu văn hóa như vậy. Và chắc chắn các cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc khi cơ quan chức năng củng cố hồ sơ, có đủ căn cứ xử phạt theo quy định.
Cũng trên các trang tin điện tử, mạng xã hội gần đây lan truyền hình ảnh một người tham gia giao thông đã không quản ngại nguy hiểm đuổi theo, trợ giúp người đi xe máy bị mất phanh khi đang đổ dốc dừng lại kịp thời, qua đó cứu 3 mạng người ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Những hình ảnh xếp hàng tuần tự khi xảy ra ùn tắc giao thông ở các quốc gia khác cũng được lan truyền tích cực.
Đối với những hành vi đẹp, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, cộng đồng mạng đã không tiếc lời khen ngợi, cổ vũ, hoan nghênh nhiệt liệt. Và tất nhiên, những hình ảnh, hành vi chưa đẹp cũng bị lên án, thậm chí “ném đá” kịch liệt. Câu hỏi đặt ra là tại sao thái độ trên mạng xã hội thì vậy, nhưng trong thực tế thì lại khác? Phải chăng nhiều người chỉ thể hiện văn hóa ứng xử trên thế giới ảo, chứ trong cuộc sống thực tiễn lại không như vậy? Và chẳng lẽ cộng đồng cứ phải chấp nhận những hành vi ứng xử thiếu văn minh?
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường "phạt nguội" theo hình ảnh vi phạm được ghi lại qua các camera giám sát giao thông. Riêng ở Hà Nội, danh sách bị "phạt nguội" mỗi tháng lên tới hơn nghìn trường hợp. Mới đây, còn có ý kiến đề nghị người dân cung cấp hình ảnh người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm cho lực lượng chức năng làm căn cứ xử lý. Chắc chắn, việc xử lý nghiêm vi phạm qua hình thức “phạt nguội” sẽ góp phần “rút ngắn” quá trình nhận thức chậm chạp, chỉ nghĩ đến bản thân của không ít cá nhân. Và mỗi dịp tắc đường cũng chính là cơ hội thuận lợi cho các lực lượng chức năng rà soát, xử lý người có hành vi vi phạm quy định về giao thông như đi lấn làn, đi ngược chiều. Đó cũng chính là cách xây dựng, thực hành văn hóa giao thông. Làm được vậy, chắc hẳn những hành vi ứng xử văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông sẽ tăng lên, qua đó góp phần xây dựng một xã hội văn minh, trật tự, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông.