Tăng cường thanh, kiểm tra các khoản thu học phí, không xảy ra lạm thu
Giáo dục - Ngày đăng : 17:58, 04/06/2022
Đối với khung học phí các năm học tiếp theo, với giáo dục phổ thông được thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
“Từ năm 2022 trở đi, HĐND các địa phương sẽ căn cứ theo tình hình thực tế, chỉ số giá tiêu dùng, khả năng thanh toán của người dân để quyết định khung học phí hoặc mức học phí để áp dụng với bậc mầm non, phổ thông và quy định tăng không quá 7,5%/năm. Theo lộ trình học phí thì đến năm 2025, chúng ta mới tính đủ chi phí cho giáo dục đại học, đối với giáo dục phổ thông, mầm non thì kéo dài hơn, đến năm 2030”, ông Hoàng Minh Sơn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định mức trần, mức sàn khung học phí và địa phương quyết định mức thu học phí dựa trên khung này.
Năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng việc phục hồi kinh tế - xã hội còn khó khăn, một số địa phương công bố mức học phí với mức độ tự chủ tài chính khác nhau. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí phù hợp với địa phương, khả năng đóng góp của người dân và chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các khoản thu học phí theo đúng quy định để không xảy ra lạm thu.
Cùng với đó, Bộ được giao tiếp tục nghiên cứu lộ trình điều chỉnh tăng học phí và nghiên cứu toàn diện tác động tăng học phí tới các đối tượng, bậc học khác nhau; đặc biệt là sinh viên, học sinh có gia cảnh khó khăn, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ cần thiết.