Thơ ca là niềm say mê của cuộc đời
Sách - Ngày đăng : 20:52, 04/06/2022
Những dòng thơ như mang chở tâm sự, khát khao đi xa hơn của người viết: “Bài ca ánh mặt trời mang bốn mùa đi xa/ ta còn mơ mộng mãi/ những lời thơ viển vông”. Đó không phải là sự phù phiếm, mà là mong ước không cùng của nghệ thuật thi ca.
Bùi Kim Anh gắn bó đậm sâu với Hà Nội. Dường như tập thơ nào của chị cũng mang đến một Hà Nội đẹp bình dị, gần gũi và chân thật. Bùi Kim Anh chưa bao giờ cường điệu hay tô vẽ cho Hà Nội mà chỉ viết về Hà Nội như chính - nó - đang - là. Chị luôn nhìn vào bản chất của sự việc chứ không mô tả vẻ bề ngoài đơn thuần. Đó có thể là Hà Nội trong thực tại: “những ngày vắng chợt nhớ thương con phố/ những ngày Hà Nội lo lắng/ ta không muốn ngồi lặng lẽ trong nhà”. Đó có thể là Hà Nội của một quá vãng xa xôi: “ngày rất cũ/ ngày rất bé/ mẹ dắt lên phố/ ký ức đã già mờ trong dòng nhớ/ cửa hàng lụa nào Hàng Trống rẽ Hàng Gai...”.
Thơ Bùi Kim Anh là lối thơ được dẫn dắt bởi cảm xúc chân thật. Chị đi theo cảm xúc nhưng kinh nghiệm luôn giúp cho những câu thơ không bị sa đà mà ở đúng điểm đến của thơ: “đêm Hà Nội trầm tư/ tóc rắc hoa sương/ thời gian lau sạch bụi đường/ là bởi lòng ta cánh sen cuối hạ”. Rất nhiều người viết sinh ra, lớn lên, sống ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng có thể đem được Hà Nội vào thơ. Đâu phải ngẫu nhiên mà Bùi Kim Anh được nhớ đến khi nhắc về những nhà thơ gắn bó với Hà Nội, bởi chị tiếp cận với Hà Nội ở bề sâu, nơi mà hồn cốt Hà Nội khởi sinh và lưu dấu.
Có lẽ ở tập thơ này nhà thơ Bùi Kim Anh bày tỏ nhiều chiêm nghiệm của mình về thơ hơn cả. Phải chăng khi đã qua tuổi thất thập, qua những buồn vui trải nghiệm thì cũng là lúc chị suy ngẫm nhiều hơn về thơ. Hoặc là chị vẫn luôn đau đáu về thơ như thế, nhưng khi những suy tư đã trở nên chín muồi thì ngôn từ sẽ nói thay những gì người viết luôn day trở. “Không thể chất vào thơ ngồn ngộn ngôn từ/ phố vẫn đông những khuôn hình xa lạ/ tìm cho thơ lời âu yếm cũ/ luẩn quẩn một ta tha thiết một ta”. Đó phải chăng cũng là quan niệm nghệ thuật của nhà thơ trong sáng tạo.
Bùi Kim Anh gây ấn tượng bởi những câu thơ giản dị nhưng lại truyền tải được những ý tưởng có sức nặng. Trong sáng tạo chị hướng đến sự tinh tế, tinh lọc: “hoa nở trong màn mưa/ chuông gió rỏ từng giọt như nốt nhạc/ tình khúc không lời dịu dàng đến/ nỗi buồn âm thầm ám ảnh/ thơ dắt ta lạc lối/ ở nơi không có ta có người”. Cõi thơ của Bùi Kim Anh ngỡ như xa xăm lắm, nhưng thực ra rất gần và thực nếu người đọc có thể cảm nhận được nhịp đập của mỗi câu chữ, cảm nhận được sự lay động trong từng nhịp điệu và thi ảnh của thơ.
Thơ vốn không là ánh sáng của những ngôi sao xa trên bầu trời chỉ để chúng ta nhìn ngắn, mà thơ là sự sẻ chia thấu hiểu với con người trong những tình thế của cuộc đời. “Ta thuộc về thơ đâu cần trọn vẹn/ cứ để lời dở dang lơi lỏng nỗi niềm”. Nhà thơ Bùi Kim Anh đã cho thấy giữa thơ ca và cuộc đời là mối quan hệ hết sức giản đơn, nhưng đó cũng là mối liên hệ không thể thiếu vắng để nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của mỗi người.
Nhà thơ, nhà giáo Bùi Kim Anh sinh năm 1948 tại Thái Bình. Hiện chị sống tại Hà Nội và đã nghỉ hưu.