Bài cuối: Đồng bộ từ cơ chế đến giải pháp
Công nghệ - Ngày đăng : 06:51, 05/06/2022
Cần một quy trình chuẩn...
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã nêu rõ: Chất thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh… phát sinh tổng lượng chất thải dưới 300kg thì phân loại và xử lý như hộ gia đình, cá nhân và ký hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị dịch vụ môi trường. UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời quyết định việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, trước đây, Hà Nội đã triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn ở một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Thời điểm đó, dự án tập trung vào việc xây dựng quy trình và hướng dẫn kỹ thuật phân loại…, chưa có sự chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng (xe ô tô thu gom, nhà máy xử lý) nên kết quả không đạt như mong muốn. Lần này, để khắc phục những hạn chế nêu trên, Hà Nội đang xây dựng đề án và ban hành các quy trình chuẩn về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải bằng các công nghệ khác nhau như tái chế, đốt phát điện… phù hợp với đối tượng, quy mô, hạ tầng ở mỗi địa phương.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng giao Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tiến hành khảo sát, đánh giá toàn bộ hiện trạng công tác quản lý rác thải trên địa bàn. Trong đó, có tính đến vấn đề từ cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật hạ tầng đến năng lực thu gom, xử lý rác thải và đặc biệt là khả năng thực thi từ phía người dân... Việc này sẽ mang tới một cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn; tiếp cận đồng thời cả thuận lợi và vướng mắc để bảo đảm đề án được xây dựng trên cơ sở thực tiễn và có tính khả thi cao.
... và sự chung sức của toàn xã hội
Bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, để công tác phân loại và xử lý rác thải tại nguồn thực chất, rất cần sự chung sức của mỗi người dân và toàn xã hội.
Theo Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà - Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), rác thải nếu được xử lý đúng quy trình sẽ trở thành nguồn tài nguyên; trong đó, rác thải hữu cơ được xử lý bằng men vi sinh là nguồn phân bón cho cây trồng. Nếu được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể thì hộ gia đình làm nông nghiệp nào cũng có thể thực hiện, làm lợi cho người dân và giảm gánh nặng rác thải phát sinh cần xử lý.
Chia sẻ về giải pháp triển khai các mô hình phân loại rác thải tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: “Để thành công, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy chính quyền địa phương. Huyện Đông Anh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị có liên quan cũng như UBND các xã, thị trấn phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai vận động người dân với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đồng thời, huyện bố trí ngân sách hỗ trợ các hộ dân mua men vi sinh, thùng đựng rác thải hữu cơ để ủ phân…, nhằm khích lệ phong trào. Nhờ vậy, từ năm 2021 đến nay, mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở huyện Đông Anh đã nhân rộng ra 23 xã, thị trấn, với hơn 10.000 người dân tham gia”.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, để phong trào phân loại rác thải sinh hoạt tại hiệu quả thực chất, cần thực hiện đồng bộ giải pháp và có cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố. Trong đó, có việc thiết lập chuỗi quy trình phân loại trong thu gom, xử lý rác thải của cả thành phố, từ khâu phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Làm được điều đó mới khắc phục được tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” trong phân loại rác thải.
Bài học rút ra từ việc triển khai các mô hình thí điểm là cơ sở khoa học để Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng Đề án phân loại rác thải tại nguồn và dự kiến trình UBND thành phố phê duyệt trong năm 2022, áp dụng rộng rãi vào năm 2025. Khi đó, rác thải không còn là vật bỏ đi, là vấn đề khó giải quyết, mà sẽ trở thành nguồn tài nguyên phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước theo hướng tuần hoàn, bền vững…