Điều quan trọng của danh hiệu
Văn hóa - Ngày đăng : 06:41, 05/06/2022
Theo quy định hiện hành, chỉ những người tham gia hoạt động biểu diễn mới được xét tặng các danh hiệu trên. Việc mở rộng đối tượng xét tặng, theo nhiều đại biểu, thể hiện sự quan tâm, trân trọng và nhìn nhận đầy đủ nỗ lực cống hiến và vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, kể cả nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quy định mới được kỳ vọng tạo ra động lực, sự khích lệ rất lớn để những người lao động nghệ thuật yên tâm cống hiến, sáng tạo.
Tuy nhiên, trước thông tin này, có nhiều người lo ngại sẽ dẫn tới chuyện “loạn” danh hiệu. Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân vốn chỉ dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhưng trên thực tế hiện nay đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Chẳng hạn như cách xét duyệt vẫn mang nặng yếu tố hình thức, coi trọng thành tích, thi thố. Điều này dẫn tới nhiều hội diễn rơi vào tình trạng "mưa huy chương", những sân chơi, giải thưởng sinh ra chỉ để đáp ứng nhu cầu "có giải", "đủ tiêu chuẩn"... mà dư luận đã lên tiếng từ lâu. Thậm chí, có nghệ sĩ nổi tiếng, được đông đảo công chúng biết tới đã từ chối làm đơn xin xét tặng danh hiệu bởi họ cảm thấy có sự cào bằng, cảm giác “xin - cho”...
Danh hiệu là sự ghi nhận những đóng góp của nghệ sĩ. Niềm vinh dự khi được mang danh hiệu sẽ khích lệ họ cũng như các thế hệ nghệ sĩ đi sau cố gắng phấn đấu, cống hiến. Tuy nhiên, một khi danh hiệu được “phổ cập”, nó có thể làm mất tính đặc thù, làm không tốt sẽ tạo ra sự cào bằng, dẫn tới giảm giá trị của danh hiệu - đây là điều cần tính đến khi mở rộng đối tượng trao tặng danh hiệu. Và trên hết, với nghệ sĩ không danh hiệu nào quý bằng sự ghi nhận của công chúng, sự trân trọng, khâm phục của bạn nghề và các thế hệ đi sau.