Phụ nữ đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 05/06/2022
Nhiều mô hình hiệu quả
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hà, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) và các hộ trong thôn trồng hoa cúc theo cách truyền thống nên tỷ lệ cây sống thấp, quá trình chăm sóc phải dùng rất nhiều hóa chất. Trăn trở với nghề, vợ chồng chị tìm tòi rồi lên phương án trồng hoa giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và đã thành công. “Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đến nay, gia đình tôi phát triển được 2 mẫu ruộng trồng hoa cúc, 3 mẫu ruộng ươm mầm hoa với doanh thu đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm. Công việc kinh doanh thuận lợi đã tạo việc làm ổn định cho 5-8 kỹ sư và 10-12 lao động thời vụ”, chị Hà chia sẻ.
Trong khi đó, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) đang thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết “5 nhà” và ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương Phạm Thị Lý cho biết: “Hợp tác xã đã thành công trong việc sáng chế “Chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Bằng độc quyền sáng chế năm 2018. Sản phẩm này được dùng để tạo ra chế phẩm dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ vi sinh hoàn nguyên. Nhờ vậy, sau gần 5 năm triển khai, đến nay các sản phẩm rau hữu cơ của Hợp tác xã đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng, đồng thời phát triển mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường”.
Từ thực tế này, nhiều gia đình thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã quen với việc sử dụng chế phẩm vi sinh trong canh tác. “Việc sử dụng chế phẩm giúp chất lượng rau của gia đình tôi nâng lên rõ rệt. Không những vậy còn cải tạo đất, giảm sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập”, chị Nguyễn Thị Thơ, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương khẳng định.
Hỗ trợ liên kết để phát triển
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương thông tin, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật luôn được các cấp Hội quan tâm, nhất là công nghệ sinh học trong sản xuất nông sản, gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển sản xuất và được nhiều người hưởng ứng, tham gia…
Những mô hình này có thể thấy ở nhiều cấp hội. Với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm, Hội đã tư vấn để chị em ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và có các hỗ trợ thiết thực khác như: Kết nối để hội viên vay các nguồn vốn ưu đãi; tư vấn pháp lý đăng ký thương hiệu sản phẩm; thành lập 10 tổ hợp tác, 2 tổ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, với sự tham gia của 330 hội viên.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm Thạch Thị Hoa chia sẻ, việc tham gia các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác đã giúp các thành viên có thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Sản phẩm rau an toàn của các tổ liên kết, tổ hợp tác của huyện đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn, uy tín như Big C, Aeon, Winmart. Đáng mừng là ngay trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Gia Lâm vẫn tiêu thụ được sản phẩm nông sản với giá thành ổn định.
Được biết, trong năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mê Linh đã tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu 13 gian hàng sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ do hội viên sản xuất; hỗ trợ 12 phụ nữ khởi nghiệp, với số tiền cho vay là 605 triệu đồng; hỗ trợ 6 hội viên làm thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh... Chị Nguyễn Thị Hà, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) chia sẻ thêm: “Nhờ sự kết nối của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mê Linh, thương hiệu mầm hoa cúc F1 của gia đình được nhiều người biết đến. Hiện thôn Đại Bái có hơn 90% hộ gia đình trồng hoa cúc nguồn giống từ gia đình tôi và có thu nhập ổn định...”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh: “Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để hội viên phụ nữ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và mở rộng hoạt động, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho chị em”.