Hướng tới xuất, nhập khẩu bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 06:27, 05/06/2022

(HNM) - So với giai đoạn trước, Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tập trung vào mục tiêu phát triển xuất, nhập khẩu bền vững, gắn với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang.

Xuất, nhập khẩu phát triển bền vững giúp nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Hải Phòng.

- Bà có thể cho biết những điểm nhấn trong Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030?

- Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đặt mục tiêu tổng quát: “Xuất, nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Có thể thấy, so với thời kỳ 2011-2020, chiến lược không đặt chỉ tiêu con số cụ thể mà xác định mục tiêu phát triển xuất, nhập khẩu bền vững, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Bên cạnh quy mô tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại, chiến lược bổ sung mục tiêu về cơ cấu hàng xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để cụ thể hóa quan điểm phát triển bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực.

Mục tiêu được đặt ra trên cơ sở 3 quan điểm gồm: Chất lượng tăng trưởng; động lực của tăng trưởng và phương thức, định hướng tăng trưởng. Trong đó các yếu tố để phát triển xuất khẩu bền vững gồm hài hòa về cơ cấu, cán cân thương mại, về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, về công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Phát triển xuất, nhập khẩu gắn với các động lực mới của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo…

- Vậy theo bà, chúng ta có những thuận lợi, khó khăn gì để hiện thực hóa mục tiêu trên?

- Thuận lợi là thị trường xuất khẩu tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát dịch Covid-19. Doanh nghiệp dần thích nghi với cam kết của các hiệp định thương mại tự do. Dòng vốn đầu tư tiếp tục được thu hút, từ đó hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất để khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia.

Đó còn là sự ổn định chính trị - xã hội ở trong nước cùng quyết tâm của Chính phủ trong cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực về lao động và tài nguyên, khoa học, công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đối diện với nhiều thách thức như cục diện kinh tế thế giới trong giai đoạn tới dự báo sẽ có nhiều chuyển biến nhanh và khó lường liên quan các yếu tố dịch bệnh, xung đột địa chính trị,… có thể làm suy giảm cầu hàng hóa, đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng kìm hãm tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu; cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng khốc liệt; hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng quy định, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu…

- Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, bà có lưu ý gì với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu?

- Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường. Trong đó tập trung đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật… tăng chất lượng sản phẩm nhằm tiếp cận các thị trường “khó tính”.

Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần khai thác thông tin, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để có thể nhận được các hỗ trợ phù hợp cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

- Với vai trò là cơ quan thường trực, Bộ Công Thương có những giải pháp gì để thực hiện chiến lược này, thưa bà?

- Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình hành động thực hiện chiến lược, ban hành vào đầu quý III-2022. Bộ Công Thương tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo dõi sát biến động của kinh tế thế giới và trong nước, thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất; xuất, nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời ứng phó, giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường hiệu quả.

Mặt khác, Bộ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số cho cộng đồng doanh nghiệp...

Định kỳ 5 năm tổ chức đánh giá việc thực hiện chiến lược; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung trong trường hợp cần thiết.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Lam Giang