Hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hoạt động thương mại điện tử
Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 05/06/2022
Chia sẻ tại hội thảo “Chiến lược tối ưu hiệu quả hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra mới đây, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, trong khi bán lẻ toàn cầu giảm do dịch Covid-19 thì bán lẻ qua thương mại điện tử lại tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, chiếm khoảng 7% tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng đã tăng lên khoảng 90% (năm 2019 là 77%) với ước tính giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của mỗi người tiêu dùng là 270 USD.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được hiệu quả tích cực khi tham gia thương mại điện tử. Bên cạnh đó, do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên dù nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, nhưng các doanh nghiệp vẫn ít quan tâm tìm hiểu về các quy định, thông lệ quốc tế, quy tắc về xuất xứ, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn cũng như các giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp và chất lượng sản phẩm...
Hiện thành phố Hà Nội có khoảng 330.000 doanh nghiệp, trong đó 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu chiếm khoảng 25% đến 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Xuất khẩu qua hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá là rất phù hợp với các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp thì việc các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ để giúp những người bán hàng Việt Nam đánh thức tiềm năng của chính họ và nắm bắt cơ hội vươn ra thế giới là hết sức quan trọng.
Khẳng định việc ứng dụng thương mại điện tử là rất quan trọng và cần thiết để doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu suất bán hàng, tiết kiệm chi phí, nâng cao doanh thu. Ông Tình Nguyễn, Co-founder (đồng sáng lập) của Ladipage Việt Nam (doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực là nền tảng landing page giúp doanh nghiệp tạo trang bán hàng và tối ưu các hoạt động tiếp thị số) cho rằng, việc quan trọng nhất để tiến trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và thành công là cần có sự quyết tâm, định hướng đúng đắn của những người đứng đầu. Mặt khác, để cải thiện và gia tăng trải nghiệm khách hàng khi truy cập vào các website, landing page, doanh nghiệp cần cải thiện tốc độ phản hồi và tốc độ tải trang nhanh nhất. Đồng thời, cần có phương pháp giao tiếp khách hàng đa kênh.
Động lực phát triển thương mại điện tử thời gian tới đến từ việc các doanh nghiệp, nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Vì vậy, chia sẻ về những lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khuyến nghị, các doanh nghiệp cần hiểu rõ và nắm bắt được các quy trình, thủ tục, các quy định; đồng thời, thường xuyên làm mới các sản phẩm của mình trên hệ thống để gây được sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên thế giới, nhằm thúc đẩy mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục trợ giúp doanh nghiệp khai phá tiềm năng xuất khẩu trực tuyến và xây dựng thương hiệu Việt trên toàn cầu.