Phát triển công nghiệp bảo quản chế biến nông sản: Giải pháp tối ưu nâng giá trị sản phẩm

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:12, 06/06/2022

(HNM) - Phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực của thời tiết, những yếu kém của chuỗi sản xuất - cung ứng nông sản; đây cũng là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, phát triển hệ thống bảo quản, chế biến nông sản theo hướng hiện đại vẫn là câu chuyện dài, đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề từ cơ chế, chính sách đến nguồn vốn, công nghệ...

Đóng gói sản phẩm sữa tại Công ty cổ phần Sữa con bò vàng Ba Vì (huyện Ba Vì). Ảnh: TTXVN

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn còn rất lớn, chiếm 20-25%, ước tính thiệt hại khoảng 8,8 triệu tấn nông sản/năm (tương đương 3,9 tỷ USD). Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 40 tỷ USD các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, nhưng hệ thống bảo quản chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu nên chủ yếu vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, tươi sống… Đó là chưa kể đến những áp lực thị trường mỗi khi vào vụ thu hoạch.

Trong khi đó, cả nước hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, nhưng phần lớn quy mô vừa và nhỏ. Theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ NN& PTNT), hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp chế biến nông sản đã qua 3-4 thế hệ, 73% nhà xưởng tạm bợ, chắp vá; 40% doanh nghiệp không có trình độ chuyên môn, tay nghề…; chỉ có 1-5% doanh nghiệp đăng ký chất lượng sản phẩm. 

Hà Nội có một số cơ sở chế biến nông sản lớn như: Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì), nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (huyện Chương Mỹ)... Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến nông sản hoạt động trên địa bàn phần lớn có quy mô nhỏ, gần 80% là chế biến thô, công suất chỉ đạt 5-10% sản lượng.

Là đơn vị trực tiếp sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, đơn vị rất muốn xây dựng hệ thống kho lạnh để bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, nhưng chi phí đầu tư quá cao nên hợp tác xã không đủ tiềm lực. Do đó, có thời điểm rau, củ thu hoạch nhiều, tiêu thụ chậm, nông dân phải bán tháo với giá rất thấp.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Công nghệ thiết bị, máy móc của các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn chủ yếu là bán tự động (chiếm 76,58%), công nghệ dây chuyền tự động còn hạn chế (chiếm 14,75%) và công nghệ chế biến thủ công vẫn chiếm tỷ lệ 8,78%. Việc sử dụng thiết bị máy móc trong hoạt động chế biến của các cơ sở còn hạn chế, chủ yếu là các máy sơ chế, xay nghiền, rang sấy, đánh bóng, đóng gói và thiết bị bảo quản...

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ thịt tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ).  Ảnh: Quang Thái

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, các cấp, ngành cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết, để bảo đảm nguồn nông sản an toàn cung cấp cho thị trường, cùng với việc doanh nghiệp chủ động đầu tư hệ thống kho lạnh, chế biến nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch..., các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Đào Thế Anh, việc quy hoạch hệ thống kho lạnh cần phù hợp với từng vùng sản xuất, không thể tự phát như hiện nay; cần có kho lạnh cỡ nhỏ do hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý tại các vùng trồng cây ăn quả, như: Vải thiều, thanh long, nhãn… Còn tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cần đầu tư hệ thống kho lạnh phù hợp.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa… sử dụng trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Trước mắt, cùng với việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất gắn với hệ thống chế biến, Hà Nội tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, công nghệ cho hoạt động chế biến, bảo quản sản phẩm. Thành phố sẽ có cơ chế, giải pháp ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến để nâng tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất các cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có vùng nguyên liệu đạt chuẩn; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; đồng thời tập trung phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản.

Mặt khác, cùng với việc nghiên cứu, xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá năng lực chế biến nông sản, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực chế biến nông sản, trong đó ưu tiên các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, các hợp tác xã chế biến nông sản... nhằm đa dạng hóa các mặt hàng nông sản chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngọc Quỳnh