Tập trung kiềm chế lạm phát
Kinh tế - Ngày đăng : 06:13, 07/06/2022
Áp lực lạm phát hiện hữu
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng, dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2022 tăng 0,38% so với tháng 4-2022 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 5 tháng năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm 2021.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, vốn đã tăng giá liên tiếp trong thời gian qua. Khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%, nên chắc chắn áp lực lạm phát là khó tránh.
Riêng xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, nên giá mặt hàng này tăng tác động mạnh đến chi phí sản xuất và giá tiêu dùng, rủi ro lạm phát là không thể tránh khỏi. Dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ nằm trong khoảng 4-4,5%.
Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, từ nay đến cuối năm 2022, nền kinh tế còn nhiều biến động, nên CPI khó giữ được ở mức tăng dưới 4%. Đặc biệt, dự báo giá xăng, dầu tiếp tục tăng và đứng ở mức cao có thể tạo ra mặt bằng giá mới.
Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, giá dầu có thể giữ đà tăng mạnh, lên mức 125 USD/thùng trong năm 2022 và 150 USD/thùng trong năm 2023, khiến cho các nền kinh tế rơi vào tình trạng bị động. Khi giá xăng, dầu trong nước tăng 10%, lạm phát có thể tăng 0,36%. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác đẩy CPI tăng. Chẳng hạn, trong gói chính sách tài khóa và tiền tệ 350.000 tỷ đồng có tới hơn 32% dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Việc giải ngân số vốn này trong bối cảnh nguồn cung nguyên vật liệu không dồi dào, giá lại tăng trong nhiều tháng qua cũng tạo thêm áp lực lạm phát.
Kiến nghị giải pháp kiềm chế giá xăng, dầu
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc giữ lạm phát dưới 4% trong năm 2022 là rất khó khăn. Thuế môi trường đối với xăng, dầu giảm 50% và một số chính sách khác nhằm hạn chế những biến động không có lợi chưa đủ sức để kéo giảm giá xăng, dầu cũng như giá các hàng hóa thiết yếu khác, đang hình thành một mức cao hơn trên thị trường. Vì vậy, nên tận dụng dư địa giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và cả thuế môi trường đối với xăng, dầu để kiềm chế đà tăng của mặt hàng này.
"Không nên hiểu đơn giản là nếu giảm nhiều loại thuế, phí sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của ngân sách. Vì giảm thuế, phí và đưa giá xăng, dầu về một mức hợp lý trong khoảng 20.000-22.000 đồng/lít, đồng thời dự trữ xăng, dầu đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nền kinh tế trong thời gian tới là điều kiện hết sức quan trọng để sản xuất, kinh doanh phục hồi, phát triển. Khi đó, doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng lên, nộp ngân sách tăng lên, bù đắp cho giảm thu từ thuế, phí; thậm chí còn nhiều hơn so với số tiền mà Nhà nước đã tạm thời giảm thuế, phí…", ông Vũ Vinh Phú phân tích.
Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội cũng lo ngại giá xăng tăng cao tác động đến lạm phát. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội), nên giảm thuế đối với xăng, dầu để hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, cần chủ động tăng sản lượng khai thác và lọc dầu trong nước, tạo nguồn cung ổn định để bình ổn giá.
Còn ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, Chính phủ cần kịp thời bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy tổng cung để giảm áp lực lạm phát. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh để giảm chi phí thương mại, giữ thị phần của hàng Việt trên thị trường. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất, chủ động nguồn nguyên, vật liệu...
Tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ, Chính phủ cũng chỉ đạo lưu ý các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chủ động phối hợp, thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ; sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng kết hợp với kiềm chế lạm phát. Với giá cả hàng hóa, Bộ Công Thương theo dõi diễn biến thị trường, có giải pháp tổng thể về nguồn cung xăng, dầu dài hạn; kiến nghị Chính phủ giải pháp giảm bớt lệ thuộc và tác động của giá xăng, dầu thế giới với nền kinh tế trong nước.