Bảo đảm an toàn hạ du đập hồ thủy điện

Công nghệ - Ngày đăng : 07:26, 08/06/2022

(HNM) - Dù chưa đến mùa lũ chính nhưng mực nước nhiều hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Hồng đã vượt cao trình cho phép. Để bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ thủy điện, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp.

Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang mở hai cửa xả đáy để đưa dung tích trữ nước về mức cho phép.

Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) Nguyễn Văn Hải cho biết, từ ngày 10-5 đến nay, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc xảy ra 4 đợt mưa lớn. Trong đó, đáng chú ý là đợt mưa xảy ra từ ngày 22 đến 24-5, Trạm thủy văn Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) ghi nhận lượng mưa 925mm, Quân Chu (tỉnh Thái Nguyên) 675mm, Kiến Thiết (tỉnh Tuyên Quang) 540mm… Mưa lớn đã khiến mực nước các hồ thủy điện Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình cao hơn so với mức cho phép tích trữ trong thời kỳ lũ sớm (từ ngày 15-6 đến 19-7)…

Trong khi đó, nhận định về tình hình mưa lũ trên lưu vực sông Hồng năm 2022, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, từ ngày 6 đến 9-6, mưa dông diện rộng quay trở lại khu vực Bắc Bộ với lượng mưa khoảng 100-250mm. Dự báo dài hạn, ở khu vực Bắc Bộ năm nay sẽ có khoảng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới - là một trong những nguồn chính gây mưa ở khu vực này. Về dự báo lượng mưa, tháng 6 sẽ cao hơn khoảng 20%, tháng 7 cao hơn 30%, tháng 8 cao hơn 5-15%, tháng 9 cao hơn 10% so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên đến tháng 10, lượng mưa giảm 5-15%, tháng 11 giảm khoảng 10-25% so với trung bình nhiều năm.

Trước thực tế và dự báo nêu trên, các đơn vị quản lý hồ thủy điện và cơ quan chức năng đang tích cực triển khai giải pháp bảo đảm an toàn công trình và hạ du hồ thủy điện. Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La Hoàng Xuân Phong, đơn vị đã kiểm tra và tuân thủ nghiêm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình, đập, hồ chứa và hạ du. Bên cạnh đó, công ty thuê cung cấp dịch vụ số liệu 20 điểm đo mưa trên lưu vực hồ Lai Châu, Sơn La phục vụ dự báo lưu lượng về hồ; khai thác dữ liệu bản tin dự báo khí tượng thủy văn để tính toán điều tiết vận hành hồ chứa khai thác tối ưu nguồn tài nguyên nước và bảo đảm an toàn đập hồ…

Tương tự, các nhà máy thủy điện: Tuyên Quang, Thác Bà, Hòa Bình… đã tổng kiểm tra công trình, các thiết bị cơ khí, thủy công, hệ thống thông tin liên lạc hạ du; hệ thống trạm quan trắc giám sát; rà soát phương án ứng phó thiên tai… Thành phố Hà Nội và 15 tỉnh trong lưu vực sông Hồng đang tuyên truyền về việc vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân khu vực hạ du, ven sông trong thời gian mùa lũ; rà soát, sẵn sàng phương án, biện pháp bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ; chỉ đạo rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động…

Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các đơn vị, địa phương trong công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các đơn vị quản lý hồ thủy điện rà soát thiết bị quan trắc và các thiết bị phục vụ cho công tác vận hành hồ chứa. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật, cung cấp dự báo về mưa, lượng mưa cho các đơn vị tư vấn tính toán, tham mưu cho công tác chỉ đạo, vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa lũ…

Kim Nhuệ