Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt để kiểm soát lạm phát
Kinh tế - Ngày đăng : 13:07, 08/06/2022
Trong đó, việc triển khai và giải pháp đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát tăng cao, việc mua sắm tài sản công thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho biết, trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ quy định về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp phản ánh gặp các vướng mắc về cách xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, thời điểm lập hóa đơn và quy định về việc Luật Hóa đơn.
Còn đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhận định về tính bền vững của việc tăng thu ngân sách nhà nước? Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình thu ngân sách nhà nước của Tổng cục Hải quan năm 2021 và những tháng đầu năm 2022? Bộ Tài chính đã có những giải pháp gì để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất, nhập khẩu nhưng vẫn bảo đảm được số thu ngân sách cho dự toán được giao?
Về việc mua sắm tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã có hướng dẫn cụ thể, việc mua sắm phải đúng định mức, tiêu chuẩn, mức độ do Nhà nước ban hành, nếu thực hiện trái quy định thì phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng cũng cho biết, trong kỳ họp thứ tư tới, Quốc hội sẽ bàn về việc sửa đổi Luật Giá, mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm, tăng cường giúp Bộ Tài chính trong quản lý giá để thực hiện tốt trách nhiệm của mình.
Về giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao, Bộ trưởng cho biết, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; đồng thời, theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.
Về kiểm soát lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là vấn đề toàn cầu, nền kinh tế của chúng ta có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên, nhiên, vật liệu từ nước ngoài, nên cũng chịu áp lực của lạm phát. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, trong những tháng đầu năm, lạm phát của nước ta vẫn ở mức kiểm soát được.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, chính sách tiền tệ cũng sẽ phải theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ cũng như tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn, đặc biệt cần kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông qua Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những kết hợp chính sách phù hợp.
Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm liên quan đến việc điều hành thị trường tiền tệ. Theo đó, trong những tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi rất sát diễn biến và có những điều tiết về thanh khoản phù hợp để đưa ra những chính sách về tiền tệ, chính sách lãi suất, tỷ giá, nhờ đó, về cơ bản trong những tháng qua, thị trường tiền tệ khá ổn định…
Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) về chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản, có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong Luật Thuế cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng thì thu theo bảng giá đất đã ban hành.
Từ những quy định này, người bán chuyển nhượng bất động sản kê khai giá rất thấp dẫn đến thất thu về bất động sản. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây là lỗ hổng làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước. Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục Thuế, chi cục thuế các địa phương để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nếu kê khai giá thấp thì tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.
Về các giải pháp chống tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế chống tham nhũng, chống nhũng nhiễu, trục lợi trong quá trình kê khai; không được gây phiền hà, sách nhiễu người dân. Tổng cục Thuế cũng chỉ tiến hành hậu kiểm chứ không tiền kiểm. Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, nếu phát hiện ra tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu sẽ xử lý nghiêm.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lã Thanh Tân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, tăng thu ngân sách từ dầu thô và đất chỉ chiếm khoảng 13,9%, do đó, thực tế tăng thu ngân sách chủ yếu do nội lực của nền kinh tế và từ sản xuất kinh doanh. Về thu ngân sách hải quan vượt 19,56% so với kế hoạch được giao, do thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã thực hiện hải quan một cửa ASEAN và ứng dụng công nghệ thông tin để thông quan, đã tạo điều kiện xuất, nhập khẩu tốt. Vì vậy, năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mốc lịch sử, cao nhất từ trước đến nay.
Về xử lý cán bộ, công chức vi phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã tăng cường giám sát và kiểm tra từ dư luận xã hội, phản ánh của các cấp, ngành và tự kiểm tra để phát hiện sai phạm…
Giải trình ý kiến của đại biểu Trần Văn Hậu (Đoàn Tây Ninh) về những vướng mắc liên quan Thông tư số 65/2021 của Bộ Tài chính, về nguồn vốn trong cải tạo, nâng cấp công trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đang “vấp” phải pháp luật nên không thể làm cách khác được. Bộ trưởng cũng nêu rõ, thông tư của Bộ Tài chính không thể thay thế được nghị định và luật. Trong Luật Xây dựng đã quy định khi sửa chữa nhà phải lập dự án, trong Luật Đầu tư công quy định, khi sửa chữa nhà hay các công trình phải đưa vào đầu tư công, từ vốn chuẩn bị đầu tư đến hỗ trợ lãi suất cho ngân hàng… đều đưa vào Luật Đầu tư công.
Trước đây còn quy định quỹ của các đơn vị sự nghiệp vào Luật Đầu tư công, sau này có nhiều ý kiến thì giao cho cơ quan chủ quản quyết định. Điều này có nghĩa là ở tỉnh thì giao cho chủ tịch UBND tỉnh, nếu là đơn vị sự nghiệp thuộc bộ thì giao cho bộ trưởng. Nếu tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất không thực hiện Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng vào điểm này và bố trí vào chi thường xuyên thì Bộ Tài chính sẽ rất ủng hộ. Do đó, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại biểu.