Rà soát, sửa đổi luật để ngăn chặn ''bong bóng'' chứng khoán
Tài chính - Ngày đăng : 12:02, 08/06/2022
Điều tra, xử lý các vụ việc thao túng thị trường chứng khoán
Về chất vấn của đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) về “bong bóng” chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý, giám sát các tổ chức trung gian.
Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra. Đồng thời, Bộ cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.
Bộ Tài chính cũng rà soát đồng bộ từ luật đến các nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Xe biếu, tặng không được miễn, giảm bất cứ loại thuế nào
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn Bình Thuận) về xe biếu, tặng có trốn thuế hay không, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định, các hãng xe phải đặt đại lý tại Việt Nam, tuy nhiên, nhiều loại xe bán được ít nên không có đại lý. Lợi dụng lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu, tặng. “Xe được biếu, tặng không được miễn, giảm bất cứ loại thuế nào”, Bộ trưởng khẳng định.
Trước thông tin báo chí nêu việc truy thu thuế với xe biếu, tặng, qua kiểm tra, Bộ trưởng cho biết, doanh nghiệp kê khai theo giá thấp, nhưng cơ quan hải quan đã căn cứ quy định đối với bảng thuế các loại xe để xác định lại nhằm truy thu thuế. Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an đang kiểm tra vấn đề này.
“Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hiện nay không phát hiện thất thu thuế, bởi tất cả thuế đối với xe biếu, tặng đều được nộp đầy đủ”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề xe cứu thương được doanh nghiệp tặng trong thời gian chống dịch Covid-19 phải nộp thêm thuế được đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, quy định pháp luật hiện hành là phải thu đầy đủ. “Chúng tôi là cơ quan thực thi thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch”, Bộ trưởng thừa nhận.
Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) về việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm 2022 đã thu được gần 500 tỷ đồng đối với các sàn thương mại điện tử. Bộ đã thiết lập Cổng đăng ký và thanh toán xuyên biên giới để các doanh nghiệp có thể nộp thuế. Thời gian qua, Facebook đã nộp 1.965 tỷ đồng, Google nộp 1.902 tỷ đồng, Microsoft nộp 651 tỷ đồng…
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, việc quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử gặp khó khăn do máy chủ đặt ở nước ngoài. Bộ đã ban hành quy định sàn thương mại điện tử nộp thay hoặc được ủy quyền nộp thay thuế cho người tham gia sàn…
“Dư luận cho rằng sàn thương mại như chợ, không thể bắt ông chủ chợ nộp thuế được mà phải tìm từng khách để nộp. Điều này gây khó khăn cho nhà quản lý. Thời gian tới, Bộ cũng nghiên cứu và tìm phương án tối ưu để thực hiện được vấn đề thu thuế trên sàn thương mại điện tử”, Bộ trưởng nói.
“Đối với các đại lý xe máy bán giá khác giá hóa đơn, nếu có bằng chứng thì đây là tội trốn thuế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.