Y tế cơ sở - để thực sự là ''người gác cổng''
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:15, 08/06/2022
Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội là một thách thức không nhỏ, đặc biệt khi tuyến y tế cơ sở đã bộc lộ nhiều điểm yếu thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài: "Y tế cơ sở - để thực sự là “người gác cổng”", phản ánh quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc đưa các trạm y tế xã, phường, thị trấn về đúng vị trí, vai trò là “người gác cổng” chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Bài 1: Tiền đề vững chắc trong phòng, chống dịch
Là tuyến y tế trực tiếp, gần dân nhất, nên vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô phải đảm đương một khối lượng công việc khổng lồ. Dù vậy, cả hệ thống đã nỗ lực hết mình, các nhân viên y tế không quản ngại khó khăn, làm việc cả ngày lẫn đêm để đáp ứng công việc, tạo tiền đề vững chắc trong phòng, chống dịch.
Làm hết việc, không hết giờ
Đã hơn 12h trưa, nhưng bác sĩ Lưu Thị Loan, Trạm trưởng Trạm y tế phường Việt Hưng (quận Long Biên) vẫn tranh thủ hoàn thành một số giấy tờ, sổ sách khám, chữa bệnh. Bởi, toàn bộ thời gian buổi sáng, chị được phân công phối hợp với nhân viên y tế của Trung tâm Y tế quận Long Biên đến khám sức khỏe định kỳ cho học sinh Trường Mầm non đô thị Việt Hưng. “Ở đây chúng tôi không có khái niệm về bữa trưa đúng giờ, mà xong việc lúc nào thì ăn lúc đó”, bác sĩ Loan tâm sự.
Nhắc lại thời điểm cách đây khoảng 3 tháng, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn thành phố, bác sĩ Loan cho biết: “Thời điểm ấy, cả trạm có 6 nhân viên y tế, nhưng có đến 4 người mắc Covid-19. Người thì thiếu, trong khi phải gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ, từ điều tra truy vết, tiêm vắc xin, đến tư vấn cho F0 điều trị tại nhà, cấp phát thuốc điều trị, cấp giấy xác nhận dương tính, ra quyết định cách ly, quyết định hoàn thành cách ly…, khiến chúng tôi gần như không có thời gian nghỉ ngơi, không có thời gian dành cho gia đình”.
Tương tự, số nhân viên tại Trạm y tế phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), kể cả bảo vệ là 8 người. Vào thời điểm đỉnh dịch cũng là lúc toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế ở đây mắc Covid-19. Thế nhưng, họ vẫn phải căng mình làm việc. Nhiều đêm, các nhân viên F0 phải thức đến 6h sáng để xử lý công việc và trả lời, tư vấn cho bệnh nhân, đến thời gian ngủ, nghỉ cũng không có. Phó Trạm trưởng Trạm y tế phường Trung Văn Nguyễn Trà My kể: “Khi ấy, chúng tôi ăn, ở, làm việc trực tuyến và cách ly tại trạm. Lượng công việc được chia đều, bố trí cả nhân viên làm ca đêm, thay phiên nhau trực. Những người mới mắc, có triệu chứng mệt mỏi hơn sẽ được nghỉ buổi sáng và bắt đầu công việc vào buổi chiều…”.
Còn Trạm trưởng Trạm y tế phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Ánh Nguyệt kể lại: “Chỉ với 8 nhân viên y tế và vào thời điểm F0 gia tăng mạnh, khối lượng công việc như núi đổ về, cái gì cũng đến tay. Quận có đặc trưng nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhiều ngách, nhiều khu tập thể cao tầng, nên việc tiếp cận nhà F0 là vô cùng vất vả. Có những lúc nửa đêm, F0 bị khó thở, người nhà họ gọi điện đến trạm y tế, chúng tôi ngay lập tức phân công nhân viên y tế mang bình ô xy đến hỗ trợ. Nhân viên y tế toàn là nữ giới “chân yếu tay mềm”, nhưng họ phải vác những chiếc bình ô xy nặng tới gần 15kg, leo bộ vài tầng cầu thang, thậm chí phải chạy nhanh nhất có thể đến cứu người bệnh”.
Trong khi đó, tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) vào thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, lên tới 700-800 ca mắc/ngày, trong khi trạm y tế chỉ có 9 nhân viên. Chính vì vậy, nhân viên Trạm y tế xã Tân Triều làm suốt ngày đêm cũng không hết việc. Có những thời điểm, 21-22h đêm, nhân viên y tế mới rời trạm về nhà…
Góp sức “phủ sóng” vắc xin
Kể từ mũi vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên được tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch vào ngày 9-3-2021, đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã tiêm được hơn 18,4 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó mũi 1 đạt 99%, mũi 2 đạt 96,5%, mũi bổ sung đạt 100%, mũi nhắc lại đạt 95,7%. Kết quả này đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và đưa Thủ đô dần trở lại cuộc sống bình thường mới. Góp sức “phủ sóng” vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng không thể không kể đến lực lượng y tế tuyến cơ sở.
Dẫn chứng về thời điểm triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô chưa từng có từ trước đến nay, diễn ra vào tháng 9-2021, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, có những ngày lực lượng y tế đã thực hiện tiêm hơn 600 nghìn mũi vắc xin phòng Covid-19, một số điểm tiêm chủng sáng đèn đến 2-3h sáng. Đặc biệt, hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, chiến dịch tiêm chủng mùa xuân đã diễn ra xuyên suốt, an toàn, hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên toàn thành phố. “Không có cái Tết trọn vẹn, nhưng những cán bộ y tế vẫn tận tâm, tận lực vì cộng đồng. Thậm chí, họ đã đi tới từng nhà, từng ngõ nhỏ để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho những người cao tuổi mắc bệnh nền, khó khăn trong đi lại không thể đến được trạm y tế… Họ là những người đã “không chọn việc nhẹ nhàng” ngày đêm sát cánh cùng người dân Thủ đô chiến đấu với dịch bệnh”, bà Trần Thị Nhị Hà nói.
Bên cạnh đó, tuyến y tế cơ sở còn được giao một nhiệm vụ rất quan trọng là quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại cộng đồng. Cũng nhờ vào sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, người dân đã chủ động khai báo và thực hiện cách ly, yên tâm chăm sóc sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn, giúp giảm quá tải cho các cơ sở y tế. Bà Nguyễn Thị Nhung (64 tuổi, tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên) chia sẻ: “Ban đầu khi biết mình bị nhiễm Covid-19, tôi rất lo lắng và muốn được vào bệnh viện điều trị. Thế nhưng, sau khi được cán bộ y tế phường động viên, tư vấn, hướng dẫn cách theo dõi, tôi hoàn toàn yên tâm cách ly và điều trị khỏi bệnh tại nhà”.
Y tế cơ sở được xem là một trong hai “mũi giáp công”, vừa chống dịch, vừa là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đại dịch Covid-19 như một “phép thử” đối với y tế cơ sở trong việc khẳng định vai trò là “người gác cổng” tiên phong và quan trọng trong hệ thống y tế của Thủ đô. Tuy nhiên, chính “phép thử” ấy cũng bộc lộ không ít điểm yếu và đã đến lúc trạm y tế cần phải được tiếp sức.
(Còn nữa)