Vật tư sản xuất nông nghiệp - còn đó mối lo

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:26, 09/06/2022

(HNM) - Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là vật tư quan trọng trong lĩnh vực trồng trọt, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, mặc dù công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến, nhưng thực tế vẫn còn không ít mối lo khi nhiều đơn vị, cá nhân vẫn kinh doanh hàng giả, kém chất lượng...

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu tại một kho hàng trên địa bàn quận Hoàng Mai, tháng 6-2022. Ảnh: TTXVN

Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý

Đầu tháng 6-2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng tại quận Hoàng Mai, phát hiện lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật chứa trong nhiều can, chai nhựa.., có loại vẫn còn nguyên tem nhãn của Trung Quốc, có loại chưa dán nhãn mác và nhiều thùng tem nhãn đủ các thương hiệu. Sau khi kiểm đếm, phân loại, lực lượng chức năng đã tạm giữ 732 can và 12.015 chai thuốc trừ cỏ, tương đương 17.900 lít. 

Đây chỉ là một trong số những vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua. Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Lê Văn Thiệt cho biết, cả nước hiện có 841 cơ sở sản xuất phân bón, 85 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và khoảng 33.000 đại lý kinh doanh 2 mặt hàng này. Năm 2021, trên cả nước, số vụ vi phạm về sản xuất kinh doanh phân bón chiếm 31,1%; vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật chiếm 6,2%.

Tại địa bàn Hà Nội hiện có 1.587 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Theo Sở NN& PTNT, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp đã tổ chức kiểm tra 21 công ty và 214 cửa hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt; các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật quận, huyện, thị xã đã kiểm tra về việc niêm yết giá, công khai thông tin về giá tại 121 cơ sở… Thông qua thực tế kiểm tra, thanh tra cho thấy, các công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, tình trạng buôn bán chất cấm, hàng giả tràn lan trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Thị trường thuốc bảo vệ thực vật có đến hàng nghìn đơn vị sản xuất và kinh doanh với nhiều tên sản phẩm khác nhau cũng là dấu hiệu của sự dễ dãi trong cấp phép và quản lý chất lượng trong ngành kinh doanh có điều kiện này.

Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, nông dân trồng hoa tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh chia sẻ: “Lo ngại nhất hiện nay là giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nếu mua nhầm hàng giả thì nông dân sẽ bị thiệt hại rất lớn. Đi đôi với tập huấn khoa học kỹ thuật, thời gian tới, cơ quan chức năng cần lồng ghép các nội dung tư vấn lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chính hãng và hướng dẫn nông dân nếu lỡ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì cần đến cơ quan nào phản ánh để được bảo vệ quyền lợi”.  

Để tránh thiệt hại cho nông dân, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Xuân Trường đề xuất, Nhà nước cần có giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; đồng thời có chế tài đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính.

Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng, nếu chỉ trông chờ vào việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng là chưa đủ, người nông dân cần được nâng cao nhận thức để sử dụng có trách nhiệm các loại vật tư nông nghiệp. Khi bón phân hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên để lại bao bì, nhãn mác để khi xảy ra sự cố có bằng chứng, vật chứng rõ ràng; đồng thời, liên hệ ngay với lực lượng chức năng nếu phát hiện cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn nông dân cách phân biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chủ động công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và niêm yết công khai danh mục, giá bán từng loại sản phẩm.

Trong số giải pháp đã, đang được triển khai, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần chú trọng hơn nữa việc quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng theo đúng quy định pháp luật...

Bạch Thanh