Đề xuất xe quá tải 20% sẽ bị tịch thu phương tiện
Chính trị - Ngày đăng : 12:30, 09/06/2022
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) về trình tự thủ tục sửa chữa những hư hỏng nhỏ trên đường bộ còn kéo dài, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đồng tình với ý kiến của đại biểu và cho rằng, cần sớm sửa chữa để bảo đảm hiệu quả, tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên, hiện nay, quy trình sửa chữa vẫn còn phải lập dự án đầu tư và được phê duyệt theo thủ tục đầu tư công bình thường. Bộ trưởng cho rằng, hiện chưa có quy trình riêng, mà áp dụng quy trình chung để sửa chữa tuyến đường, dẫn tới việc sửa chữa chậm, chưa kịp thời.
“Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu, phối hợp với các bộ, ngành để có hướng xử lý xác đáng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Phong (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) về phương án bảo đảm chất lượng lưu thông khi đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương xuống cấp trầm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, chính sách pháp luật về quản lý tài sản công cũng như pháp luật về ngân sách nhà nước quy định vốn có nguồn gốc từ Nhà nước, vốn ODA không thu phí.
“Chính vì thế, cầu Thủ Thiêm không thu phí, cầu Cần Thơ đang thu phí thì được yêu cầu dừng thu phí. Đối với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương thu phí vì đã ký hợp đồng với nhà đầu tư, nên buộc phải thực hiện theo hợp đồng. Đến năm 2018, nhà đầu tư đã kết thúc quyền thu phí 5 năm, Bộ có trình xin ý kiến tiếp tục thu phí, nhưng Bộ Tài chính cho rằng vi phạm luật nên phải dừng thu phí”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết thêm, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung thực hiện Nghị quyết của Quốc hội xây dựng xong 4 dự án đường cao tốc giai đoạn 1, Bộ sẽ báo cáo với Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án hoàn vốn để rút kinh nghiệm. Còn trong Luật Giao thông đường bộ và các quy định hiện hành có thu phí dịch vụ chất lượng cao trên đường cao tốc để có kinh phí duy tu, sửa chữa, phát triển đường cao tốc và đặc biệt là điều tiết giao thông.
Tiếp thu ý kiến chất vấn của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) về việc thực hiện đối tác công - tư tham gia khai thác, bảo trì các dự án giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, luật chưa quy định vấn đề này. Tuy nhiên, khi xây dựng xong, đấu thầu và giao cho các cơ quan tư nhân hoặc các doanh nghiệp quản lý, giám sát sẽ tốt hơn, đặc biệt hạn chế được nhiều nguồn lực, trong đó có vốn và nguồn nhân lực trong quá trình duy tu, bảo quản. Vấn đề này tuy mới nhưng hiệu quả, Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu thêm.
Về kiểm soát xe quá khổ, quá tải được đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để xử lý vấn đề này.
“Tuy nhiên, các loại xe này hoạt động trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn trong đường nhỏ để tránh Công an, Thanh tra giao thông. Do đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra các đường, ngõ, các khu công trình, điểm vận chuyển vật tư. Bởi vì lúc đăng kiểm thì các xe đăng kiểm chuẩn, sau đó họ mới vi phạm quá tải, do đó địa phương phải phối hợp theo dõi để xử lý”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn Vĩnh Phúc) các cơ quan chức năng chủ yếu chỉ có thể xử phạt hành chính xe quá tải theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP mà không thể xử lý bằng biện pháp hình sự do không có cơ sở để xác định giá trị thiệt hại.
Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP vừa qua đã tạo đột phá rất lớn, nhưng vẫn còn một số điểm còn hạn chế, trong đó có hạn chế về việc xử phạt xe quá tải. Bộ đang kiến nghị sẽ có quy định chặt chẽ xử phạt xe quá tải, nếu quá tải 10% sẽ xử phạt nghiêm, quá tải 20% sẽ tiến hành tịch thu phương tiện…
“Chúng ta không hình sự hóa nhưng bảo đảm tính răn đe, bảo vệ các công trình giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.