Đẩy mạnh chuyển đổi số trong báo chí để tiếp cận công chúng nhanh hơn
Đời sống - Ngày đăng : 15:17, 11/06/2022
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh tham dự.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội trong nước, nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông.
Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, tính đến ngày 30-11-2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này, trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi. Đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hóa, chuyển đổi số. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số và cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm có nghĩa là trên con đường chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số không phải là vấn đề công nghệ mà là vấn đề con người, tư duy. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà tạo ra quy trình sản xuất mới mẻ và tạo ra sản phẩm thông tin mới mẻ, tạo ra văn hóa trong tòa soạn phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, trong đó lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số sẽ giúp chuyển đổi số thành công hơn; đồng thời phải đào tạo lực lượng cán bộ, nhân viên am hiểu sử dụng thành thạo công nghệ số, vì nếu mua về không sử dụng thì không giá trị. Chuyển đổi số tạo môi trường cán bộ, nhân viên phát triển, sáng tạo thực hiện chiến lược mà tòa soạn mong muốn”, đồng chí Lê Quốc Minh nhận định.
Do đó, đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng: "Chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân thì mới chuyển đổi số được. Mỗi cơ quan báo chí nên thực hiện chuyển đổi số theo năng lực của mình. Hiện các cơ quan báo chí có thể hợp tác với nhau để giảm chi phí, thu hút được lượng lớn bạn đọc".
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đề cập đến những vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.