Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam: Doanh nghiệp Việt theo đuổi giá trị cốt lõi
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:58, 11/06/2022
Sự bùng phát trở lại và kéo dài của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, vượt lên mọi thách thức, nền kinh tế vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan. Đánh giá từ Brance Finance cho thấy, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỷ USD, duy trì ở hạng 33 thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế - xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Trong tốp 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng từng năm, từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021. Đặc biệt trong tốp 10, con số này đã từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021. Bên cạnh số lượng, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia trong tốp 10 cũng tăng đáng kể, từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.
Với sự hỗ trợ của Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, doanh nghiệp. Thực tế những năm qua, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đã trở thành điểm nhấn và là động lực thôi thúc doanh nghiệp cải thiện nội lực, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Nhiều thương hiệu của Việt Nam đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới, điển hình như: Vingroup, Vinamilk, TH True Milk, Thaco…
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) Mai Kiều Liên cho biết, là công ty sữa đầu ngành với 6 lần liên tiếp được bình chọn là Thương hiệu quốc gia (từ năm 2010 đến nay), giá trị thương hiệu của Vinamilk (theo Forbes Việt Nam) đã tăng dần đều qua các năm từ 2016 với hơn 1,5 tỷ USD đến 2,4 tỷ USD năm 2020. Trong năm "Covid-19" đầy biến động, lần đầu tiên Vinamilk - một doanh nghiệp của Việt Nam vượt lên các công ty đa quốc gia khác để dẫn đầu danh sách 10 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam, thuộc 1.000 thương hiệu dẫn đầu của châu Á theo Campaign Asia - Pacific và Nielsen.
Các kết quả này đã cho thấy sự nhìn nhận toàn diện và đúng đắn về tầm quan trọng của thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó đặt trọng tâm của sự phát triển các sản phẩm có chất lượng, xây dựng uy tín với khách hàng.
Ngoài việc phát triển thị trường trong nước thì Vinamilk cũng luôn chú trọng việc mở rộng ra các thị trường xuất khẩu, đưa các sản phẩm sữa Việt Nam vươn ra thế giới. Tính từ thời điểm bắt đầu xuất khẩu vào năm 1997 đến nay, các sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu xuất khẩu lũy kế đạt hơn 2,4 tỷ USD.
Theo bà Mai Kiều Liên, kết quả này có được một phần lớn là nhờ sự cam kết, đồng hành của Vinamilk với các đối tác nước ngoài, cũng như sự tín nhiệm của họ dành cho thương hiệu và chất lượng sản phẩm của Vinamilk. Nhờ vậy mà trong bối cảnh dịch Covid-19, Vinamilk vẫn vững vàng vượt qua được thách thức, bảo đảm tăng trưởng ổn định, đóng góp cho kinh tế nói chung và tích cực hỗ t rợ cộng đồng trong thời điểm khó khăn do đại dịch. Các giá trị cốt lõi đã được doanh nghiệp thực hiện với sự cam kết cao, qua đó góp phần đưa Vinamilk - thương hiệu quốc gia của ngành sữa vươn xa và ngày càng khẳng định được giá trị bền vững của mình.
Điều này khẳng định và minh chứng cho việc giữ gìn và phát huy được những giá trị thương hiệu vốn có chính là giải pháp giúp các doanh nghiệp giữ chân người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nói đến thương hiệu quốc gia không chỉ là sự tồn tại, nhận biết tại thị trường trong nước mà còn là sự đánh giá, công nhận của người tiêu dùng nước ngoài. Thông qua các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp trong nước cũng nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng của nước sở tại. Chính vì vậy, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài rất quan trọng.
Có thể thấy, xây dựng thương hiệu bằng cả quá trình xuyên suốt với những giá trị thật tạo chỗ đứng trên thị trường đã khó, nhưng việc bảo vệ thương hiệu bền vững cũng là một yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết.